Logo

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là tên họ của người

21/11/2015
Vấn đề tên, họ của người được đăng ký bảo hộ làm một nhãn hiệu hay không là một câu hỏi thường được đặt ra. Trong thực tế trên thế giới hàng trăm năm nay, nhiều nhãn hiệu lấy tên của chủ doanh nghiệp hay các nhà sáng lập …

Vấn đề tên, họ của người được đăng ký bảo hộ làm một nhãn hiệu hay không là một câu hỏi thường được đặt ra. Trong thực tế trên thế giới hàng trăm năm nay, nhiều nhãn hiệu lấy tên của chủ doanh nghiệp hay các nhà sáng lập … đã được đăng ký, sử dụng và đạt được những thành công lớn trong kinh doanh. Tuy vậy cũng không ít trường hợp các nhãn hiệu là tên thông dụng của cá nhân cũng gây nên những phiền phức, khó xử cho doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý. Quy định về đăng ký bảo hộ tên người ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới không hoàn toàn giống nhau. Việc tìm hiểu các quy định liên quan đến vấn đề này là rất bổ ích cho các cá nhân, doanh nghiệp cũng như với những người công tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

 

Quy định về đăng ký nhãn hiệu là tên người tại Việt Nam.

 

Quy định pháp lý: Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam ban hành năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009) nói chung không ngăn cản việc đăng ký một nhãn hiệu là tên họ của một người hoặc cả họ và tên. Tên, họ của một người được xử lý trong đăng ký như các nhãn hiệu khác. Điều hạn chế duy nhất đối với đối tượng này được quy định tại Điều 73.3 Luật sở hữu trí tuệ là: không bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh… của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài.

 

Thực tế áp dụng: Trong thực tiễn Việt Nam nhiều năm qua các cá nhân, doanh nghiệp thường lấy tên đăng ký thành nhãn hiệu hơn là lấy họ, ví dụ:

• Cao Minh – cho dịch vụ may mặc (Cl. 40)         

• Thu Hương – cho sản phẩm bánh, kẹo (Cl. 30)

• Cô Ba - sản phẩm xà phòng thơm (Cl. 03)

• Tuấn - sản phẩm giày dép (Cl. 25)

 

Các tên của người Việt thường hay lấy hoặc trùng với các tên trong kho từ của tiếng Việt hay Hán Việt nên việc xem xét khi đăng ký được tiến hành như các nhãn hiệu chữ bình thường.

 

Rất ít họ được đăng ký riêng biệt làm nhãn hiệu mà thường kết hợp họ và tên để đăng ký bảo hộ, ví dụ:

• Phan Thanh Tòng – cho sản phẩm cơ khí (Cl. 07)

• Nguyễn Luận – dịch vụ nhà thuốc (Cl. 35)

 

Trong quy chế thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu của Cơ quan Sở hữu trí tuệ Việt Nam thì do đặc điểm của người Việt là họ của người thường giới hạn trong một số lượng rất ít (có rất nhiều người cùng một họ, điển hình là Nguyễn, Trần, Lê…). Còn tên gọi thì rất đa dạng, nên tên gọi (kể cả tên đệm) có tính phân biệt cao hơn. Do đó nếu hai nhãn hiệu là tên người thì nếu chỉ trùng về họ thì ít khả năng gây nhầm lẫn, ví dụ :

• Trần Vân

• Trần Thành

       Ngược lại nếu trùng về tên (kể cả tên đệm) thì dễ gây nhầm lẫn, ví dụ:

• Phan Thanh Tòng

• Nguyễn Thanh Tòng

 

Trong thực tế trường hợp đăng ký tên người với chỉ một từ là không nhiều những cũng gây không ít những vụ kiện tụng kéo dài gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi giải quyết.

 

Năm 1990, Tiệm may tại Chợ Lớn đăng ký xin tên mình là nhãn hiệu “Vinh” cho dịch vụ may đo. Xét thấy trước đó chưa ai đăng ký nhãn hiệu này, cũng như nhãn hiệu không xâm phạm điều khoản nào các quy định về nhãn hiệu, nên Cơ quan Sở hữu trí tuệ đã cấp đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu này. Sau khi được cấp Văn bằng Tiệm may Vinh đã nộp đơn khiếu kiện một Tiệm may Vinh khác ở đường Bùi Viện, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu dỡ bỏ bảng hiệu “Vinh” vì xâm phạm quyền nhãn hiệu của mình. Tiệm may Vinh – Bùi Viện cũng làm đơn phản đối vì bản thân chủ cũng tên “Vinh” và đã kinh doanh nhiều năm trước đó. Sau nhiều tranh luận giữa các bên và tốn nhiều giấy mực của báo chí, xét thấy tên gọi “Vinh” là khá phổ biến trong người Việt và việc kinh doanh của hai bên đều ngay tình, Cơ quan Sở hữu trí tuệ đưa ra quyết định là chấp nhận sự tồn tại và cấp đăng ký nhãn hiệu cho Tiêm may Vinh – Bùi Viện với điều kiện Tiệm may này phải trình bày chữ “Vinh” theo kiểu chữ khác và thêm hình sư tử vào nhãn hiệu để phân biệt được với nhãn hiệu được bảo hộ của Tiệm may Vinh - Chợ Lớn.

 

Thực tế này cũng là một kinh nghiệm tốt cho Cơ quan Sở hữu trí tuệ khi xem xét một nhãn hiệu chỉ cấu tạo bằng một tên riêng mà tên đó lại rất thông dụng. Trong trường hợp để tăng tính phân biệt của nhãn hiệu nhằm đạt được sự bảo hộ bền vững tên đó cần được thêm một yếu tố bổ sung vào nhãn hiệu hoặc bằng một tên đệm hoặc bằng một dấu hiệu hình.

 

Như trên đã nói, các quy định về xem xét đăng ký một nhãn hiệu là tên cá nhân theo Luật sở hữu trí tuệ cũng giống như đối với các nhãn hiệu khác, kể cả việc một đơn đăng ký nhãn hiệu là tên gọi có thể bị từ chối bởi một người khác đã sử dụng tên của mình như một nhãn hiệu để sử dụng một cách rộng rãi từ trước. Trường hợp sau đây có thể minh họa cho điều này:

 

Năm 2010, Công ty dược phẩm Hà Nội nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu “NGUYỄN LUẬN” cho dịch vụ mua bán dược phẩm (nhóm 35). Sau khi xem xét các Thẩm định viên nhãn hiệu của Cục sở hữu trí tuệ đã từ chối đăng ký nhãn hiệu này với lý do nhãn hiệu “NGUYỄN LUẬN” đã được chủ cùng tên sử dụng làm nhãn hiệu cho cửa hàng thuốc của mình nhiều chục năm nay tại số 3 Tràng Thi, Hà Nội.

 

Công ty dược phẩm Hà Nội đã khiếu nại lên Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ với lý do nhãn hiệu với tên trên chưa được ai đăng ký và ông chủ cửa hàng trên cũng không có bất kỳ phản đối nào được nộp lên Cục Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên với các bằng chứng Cơ quan Sở hữu trí tuệ thu thập được, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã bác đơn kiện vì rõ ràng nhãn hiệu xin đăng ký phải bị từ chối bảo hộ theo quy định tại Điều 74.2(g) Luật Sở hữu trí tuệ.

 

Các tên người không được đăng ký là nhãn hiệu

 

Như nêu trên, theo Điều 73.3 Luật Sở hữu trí tuệ thì các tên thật, biệt hiệu, bút danh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam và của nước ngoài sẽ không được đăng ký là nhãn hiệu.

 

Điều này được quy định trong Luật và đã được áp dụng nhưng khó khăn là thiếu một văn bản hướng dẫn đầy đủ phạm trù của các đối tượng liên quan nêu trên, ví dụ: lãnh tụ là gồm những ai, anh hùng dân tộc trong lịch sử hay còn bao gồm các anh hùng được phong tặng thời nay, anh hùng trong thực tế hay huyền thoại, danh nhân được hiểu là người có tiếng tăm nhưng tiếng tăm đến mức độ nào?

 

Một số thực tế trong việc áp dụng quy định này có thể nêu ở đây.

 

Xí nghiệp dược phẩm 3/2 thành phố Hồ Chí Minh nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu “Hải thượng lãn ông & hình chân dung Hải thượng Lãn Ông” cho sản phẩm dược của mình. Cơ quan Sở hữu trí tuệ đã từ chối đăng ký đơn này do nhãn hiệu là tên và chân dung của một danh y của Việt Nam nên không được bảo hộ theo quy định. Xí nghiệp nộp đơn khiếu nại cho rằng mình đã sử dụng nhãn hiệu này từ nhiều năm trước và chưa có ai nộp đơn đăng ký nhãn hiệu này. Cơ quan Sở hữu trí tuệ đã khẳng định lại nhãn hiệu là tên và chân dung của một danh nhân trong lĩnh vực thuốc chữa bệnh của Việt Nam nên không thuộc phạm vi đối tượng được bảo hộ là nhãn hiệu và cụ thể một doanh nghiệp dược được độc quyền. Ngoài ra, việc xí nghiệp đã sử dụng nhãn hiệu từ trước cũng không phải là cơ sở để Cục áp dụng các quy định ngoại lệ do đạt được tính phân biệt trong quá trình sử dụng (secondary meaning) như đối với các loại dấu hiệu được áp dụng quy tắc này.

 

Một doanh nghiệp tại Hà Nội đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Phù Đổng Thiên Vương & hình Phù Đổng cưỡi ngựa” cho sản phẩm chè (Cl. 30). Cục Sở hữu trí tuệ đã từ chối đăng ký nhãn hiệu này với lý do nhãn hiệu là tên và hình ảnh của một anh hùng dân tộc theo quy định tại điều 73.3 Luật Sở hữu trí tuệ. Công ty trên đã nộp đơn khiếu nại quyết định từ chối trên vì cho rằng Phù đổng Thiên vương chỉ là nhân vật nổi tiếng trong thần thoại Việt Nam mà không thể là một anh hùng trong thực tế, vì vậy Cục phải cấp đăng ký cho nhãn hiệu trên. Tuy nhiên Cục vẫn quyết định từ chối đăng ký cho nhãn hiệu này với lý do: tuy là nhân vật huyền thoại nhưng vẫn là anh hùng dân tộc trong tâm thức của người Việt Nam nên không thể cấp độc quyền sử dụng tên và hình tượng của Thánh Gióng cho bất kỳ một doanh nghiệp nào. Trong trường hợp này rõ ràng nổi lên một nhu cầu là cần phải có quy định hoặc giải thích cụ thể phạm trù các khái niệm trong Điều 73.3 Luật Sở hữu trí tuệ, để thuận lợi cho việc áp dụng và tránh các tranh cãi không đáng có.

 

Trường hợp tương tự cũng xảy ra với một công ty sản xuất rượu ở Bình Định khi trong nhãn hiệu của mình, ngoài tên của mình Công ty đã đưa cả chữ Anh hùng Nguyễn Huệ và bức tượng của ông. Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã từ chối bảo hộ phần này do áp dụng quy định của Điều 73.3 Luật Sở hữu trí tuệ. Chủ nhãn hiệu chấp nhận điều này và nhãn hiệu chỉ còn được bảo hộ tên của doanh nghiệp.

                                                                                  

 TVH


Các bài viết khác