Logo

Tranh cãi gay gắt về bản quyền truyện tranh “Thần đồng đất Việt”

07/08/2019
Họa sĩ Lê Linh khẳng định một mình ông phác thảo cả tranh lẫn truyện, còn bà Hạnh cho rằng là người lên ý tưởng cùng thực hiện.  

Ngày 16/7, TAND TP HCM xử phúc thẩm, xem xét kháng cáo của Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh (đồng bị đơn) đối với bản án sơ thẩm tuyên họa sĩ Lê Phong Linh (còn gọi là Lê Linh) là tác giả duy nhất của truyện tranh Thần đồng đất Việt.

Trình bày các lý do kháng cáo, phía bị đơn cho rằng, tòa sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng - xử không đúng thẩm quyền. Tòa không triệu tập người có quyền, nghĩa vụ liên quan (như Cục bản quyền tác giả) hay công bố tài liệu, chứng cứ do người có quyền, nghĩa vụ vắng mặt.

Đại diện của bị đơn cho rằng  tại phiên toà sơ thẩm ông Linh không mô tả được ý tưởng ban đầu thì không thể là tác giả của các nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo trong Thần đồng đất Việt. Về việc làm tác phẩm phái sinh, ông Linh là nhân viên theo hợp đồng của Công ty Phan Thị,  toàn bộ quyền tài sản đã chuyển giao cho công ty này, do đó Phan Thị được quyền làm tác phẩm phái sinh mà không cần sự đồng ý của ông Linh.

Đại diện bị đơn cũng không đồng ý bản án sơ thẩm cho rằng Phan Thị làm tác phẩm phái sinh "là xâm phạm đến sự toàn vẹn của tác phẩm" mà không đề cập đến "như thế nào là xâm phạm sự toàn vẹn của tác phẩm". Theo đó, nếu bản án sơ thẩm được thực thi sẽ làm các nhà đầu tư nước ngoài về xuất bản, phim ảnh lo lắng vì luật pháp Việt Nam khuyến khích nhân viên lợi dụng quyền nhân thân, đòi hỏi chia theo doanh số, cản trở kinh doanh của công ty.

Từ đó, phía bị đơn yêu cầu HĐXX phúc thẩm bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chấp nhận yêu cầu của bị đơn - công nhận bà Hạnh là đồng tác giả và Công ty Phan Thị được phép khai thác các nhân vật.

Về phần mình, họa sĩ Lê Linh cho rằng bản án sơ thẩm là hợp lý nên đề nghị tòa giữ nguyên phán quyết. Ông cho biết, tại văn bản gửi Cục bản quyền, không có dòng nào ông công nhận bà Hạnh là đồng tác giả. Từ ý tưởng đến vẽ phác họa đều do một mình ông thực hiện và cung cấp cho tòa các bản phác thảo sơ khai.

Theo họa sĩ, quyền nhân thân không được chuyển giao. Công ty Phan Thị là chủ sở hữu tác phẩm, có quyền làm tác phẩm phái sinh dựa trên hình tượng gốc. Tuy nhiên, ở đây Phan Thị làm tác phẩm phái sinh khác với hình tượng gốc nên phải được sự đồng ý của ông.

Quay lại lịch sử vụ kiện, tập đầu tiên của Thần đồng đất Việt (tác phẩm do họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị thực hiện) ra mắt năm 2002. Ông Lê Linh vẽ các nhân vật trong truyện từ năm 2002 đến 2005. Sau tập 78, ông ngừng sáng tác. Các tập tiếp theo do các họa sĩ khác hợp tác với Công ty Phan Thị thực hiện. Sau đó, Lê Linh phát hiện trong hồ sơ đăng ký bản quyền, bà Mỹ Hạnh ghi tên mình là đồng tác giả cùng với Lê Linh.

Năm 2007, ông Lê Linh khởi kiện bà Hạnh và công ty Phan Thị ra tòa yêu cầu xác định ông là tác giả duy nhất của bộ truyện, đề nghị công ty Phan Thị không được phép sáng tác những biến thể của nhân vật trong bộ truyện.

Tháng 2/ 2019, sau nhiều ngày xét xử và nghị án, TAND quận 1 công nhận họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất của bộ truyện Thần đồng đất Việt và 4 hình tượng nhân vật trong truyện là Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo. Tòa cũng buộc Công ty Phan Thị chấm dứt việc tiếp tục sáng tác những biến thể của nhân vật; xin lỗi công khai họa sĩ Lê Linh 3 kỳ liên tiếp trên các báo; chịu phí thuê luật sư phía Lê Linh là 15 triệu đồng.

Theo HĐXX, trong thời gian hai bên cộng tác, Công ty Phan Thị đã trả nhuận bút cho Lê Linh, tức đã công nhận ông là tác giả. Tòa không chấp nhận quan điểm của bà Hạnh cho rằng bà đã hình dung các nhân vật trong truyện và nhờ ông Linh vẽ lại nên phải là đồng tác giả bởi "ý tưởng không được thể hiện dưới dạng vật chất (giấy tờ) và không được pháp luật bảo hộ".

Sau nhiều giờ hai bên căng thẳng đặt câu hỏi qua lại, HĐXX cho biết chấm dứt phần hỏi. Phiên toà sẽ bắt đầu tranh luận vào chiều 29/7/2019.

Nguồn: https://vnexpress.net/phap-luat/tranh-cai-gay-gat-ban-quyen-than-dong-dat-viet-3953349.html

Các bài viết khác