Logo

Vụ kiện điển hình về xâm phạm nhãn hiệu của hãng sản xuất thiết bị gốc (OEM) tại Trung Quốc

13/05/2015

Khái niệm về OEM (Original Equipment Manufacturer) thường được hiểu là Hãng sản xuất thiết bị gốc – là  công ty sản xuất một thiết bị nguyên thủy theo đơn đặt hàng nhưng được đưa ra thị trường bởi công ty khác và dưới một nhãn hiệu khác.

Khái niệm về OEM (Original Equipment Manufacturer) thường được hiểu là Hãng sản xuất thiết bị gốc – là  công ty sản xuất một thiết bị nguyên thủy theo đơn đặt hàng nhưng được đưa ra thị trường bởi công ty khác và dưới một nhãn hiệu khác.

 

Được ví như một công xưởng lớn của thế giới, Trung Quốc có rất nhiều sản phẩm do các OEM sản xuất theo đơn đặt hàng của nước ngoài theo các nhãn hiệu khác nhau. Việc một OEM có xâm phạm một nhãn hiệu hay không thì tòa địa phương xử mỗi nơi một khác và một tiêu chuẩn  chung để xét xử thì trước đây chưa từng được đưa ra. Gần đây, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc (SPC) đã công bố 50 vụ án mẫu, trong đó có vụ án liên quan đến vi phạm về nhãn hiệu của OEM, trong đó một OEM đã thắng trong vụ khiếu kiện của một chủ nhãn hiệu được bảo hộ tại Trung Quốc. Từ phán quyết của SPC trong vụ này, ta có thể thấy được quan điểm rõ hơn của Tòa Trung Quốc khi xử các vụ án đặc thù này để có thể tham khảo trong việc giải quyết các vụ việc tương tự tại Việt Nam.

                                 

Nội dung vụ kiện

 

Một Công ty nổi tiếng tại Hồng Kông, Crocodile Garments Ltd. (viết tắt là CG) đã được bảo hộ nhãn hiệu “CROCODILE & hình” tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ những năm 1980 cho sản phẩm quần áo thuộc nhóm 25 và do đó đã được độc quyền sử dụng nhãn hiệu tại Trung Quốc. Năm 2008 Công ty tiếp tục nộp đăng ký xin giám sát nhãn hiệu tại Tổng cục Hải quan Trung Quốc (kiểm soát biên giới xuất nhập khẩu các hàng hoá có gắn nhãn hiệu).

 

Sau đó, tháng 1/2011 CG được Cục Hải quan thành phố Thanh Đảo thông báo là Công ty may mặc Thiên Thụy (Rui Tian) tại Thanh Đảo đang làm thủ tục xuất khẩu 1670 áo khoác nam (sản phẩm đóng trong thùng) gắn nhãn hiệu “CROCODILE”. Trên cơ sở phát hiện đó, CG đã nộp đơn kiện vi phạm quyền nhãn hiệu tại Tòa và yêu cầu bồi thường thiệt hại 500.000 nhân dân tệ.

 

Tòa sơ thẩm Thanh Đảo đã phán quyết là Thiên Thụy đã xâm phạm quyền do sử dụng nhãn hiệu trái phép (gắn label, thẻ mang nhãn hiệu được bảo hộ lên áo sản xuất trên lãnh thổ Trung Quốc).

 

Công ty Thiên Thụy đã kháng cáo lên tòa phúc thẩm và đưa ra lập luận chống lại cáo buộc trên khi khẳng định mình là OEM hợp pháp theo đơn đặt hàng của Công ty Korean Espoir Co., Ltd (HQ) mà Espoir Co., Ltd lại được cho phép bởi Yamato International – là Công ty chủ nhãn hiệu “CROCODILE” được bảo hộ tại Nhật Bản cho các sản phẩm quần áo nhóm 25. Sản phẩm áo khoác đóng gói được xuất khẩu sang Nhật Bản mà không bán tại lãnh thổ Trung Quốc. Sản phẩm của Công ty Thiên Thụy đã được coi là sản phẩm của hãng sản xuất sản phẩm gốc (OEM), được sản xuất theo đơn đặt hàng mang nhãn hiệu có nhận được sự cho phép hợp pháp, và không có chủ đích nhằm xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tại Trung Quốc. Do đó, việc sản xuất sản phẩm này không gây bất kỳ thiệt hại nào cho CG trong thực tế. Do đó không thể coi Công ty Thiên Thụy là xâm phạm quyền của CG.

 

Tòa Phúc thẩm Trung Quốc xem xét vụ việc và cho rằng điểm mấu chốt của tranh chấp đó là:  liệu việc Công ty Thiên Thụy sử dụng nhãn hiệu “CROCODILE” trên nhãn và thẻ cho sản phẩm đã đóng gói có vi phạm độc quyền nhãn hiệu của CG hay không. Tòa áp dụng nguyên tắc lãnh thổ của bảo hộ nhãn hiệu là nhãn hiệu được đăng ký tại lãnh thổ nào thì sẽ được bảo hộ ở vùng lãnh thổ đó. Nói một cách khác, vì CG đã đăng ký nhãn hiệu “Crocodile & hình” tại Cộng hòa nhân dân Trung hoa thì sẽ được độc quyền sử dụng trên lãnh thổ nước này.

 

Trong trường hợp này, nhãn và thẻ gắn trên sản phẩm áo khoác được cung cấp bởi bên đặt gia công là Công ty Korean Espoir và sản phẩm được đóng gói đó được xuất khẩu ra ngoài Trung Quốc mà không để bán tại thị trường này. Công ty Thiên Thụy được xác định là một OEM hợp pháp. Do đó, trong phạm vi của pháp luật Trung Quốc và phạm vi độc quyền của CG đối với nhãn hiệu “CROCODILE” thì nhãn và thẻ gắn với một sản phẩm của OEM là Công ty Thiên Thụy sẽ không thể thực hiện chức năng là nguồn gốc của sản phẩm liên quan, và sẽ không có sự nhầm lẫn nào có thể xảy ra cho người tiêu dùng trên thị trường Trung Quốc. Do đó, không thể áp đặt đây là hành vi sử dụng nhãn hiệu theo Luật nhãn hiệu Trung Quốc.

 

Do đó, Tòa kết luận là các hành vi của Công ty Thiên Thụy gắn nhãn và thẻ cho sản phẩm áo khoác được đóng thùng không bị coi là việc sử dụng thương mại nhãn hiệu: Bởi không có sự lưu thông mang tính thương mại của sản phẩm mang các nhãn và thẻ nêu trên tại Trung Quốc, không có việc xâm phạm quyền nhãn hiệu “CROCODILE” của CG theo Luật nhãn hiệu. Theo nguyên tắc về lãnh thổ của nhãn hiệu, CG chỉ có độc quyền đối với nhãn hiệu liên quan trên lãnh thổ Trung Quốc và không thể có quyền loại trừ Công ty Thiên Thụy sử dụng nhãn hiệu “CROCODILE” trên các sản phẩm sản xuất gia công từ hãng nước ngoài. Vì vậy, yêu cầu xem xét hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu của CG là không có cơ sở pháp lý.

                                                                                

TVH

(Theo tài liệu của SPC)


Các bài viết khác