Logo

Bí mật kinh doanh

08/07/2013
Bí mật kinh doanh (còn được gọi là bí mật thương mại) là quyền sở hữu trí tuệ (IP) đối với thông tin bí mật có thể sử dụng trong hoạt động sàn xuất kinh doanh.

Nói chung, để được coi là bí mật kinh doanh, thông tin phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • có giá trị thương mại;
  • chỉ một nhóm người hạn chế được biết, và
  • chủ sở hữu hợp pháp thông tin phải quy định và thực hiện các biện pháp kiểm soát hợp lý để giữ bí mật thông tin, bao gồm việc sử dụng các thỏa thuận bảo mật cho các đối tác kinh doanh và nhân viên của mình.

Việc người khác thu thập, sử dụng hoặc tiết lộ trái phép thông tin bí mật đó theo cách thức trái với thông lệ thương mại trung thực được coi là xâm phạm bí mật kinh doanh.

Tương tự nhiều quốc gia khác, ở Việt Nam, Điều 84 Luật SHTT quy định rằng bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau:

  1.  không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
  2.  khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh  đó, và
  3. được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

Bảo vệ tài sản trí tuệ dưới hình thức bí mật thương mại là phương án thường được lựa chọn khi các phương thức khác, ví dụ Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích là không phù hợp và không khả thi.

Các luật sư, chuyên gia của chúng tôi sẽ cùng làm việc với khách hàng để chọn ra phương thức phù hợp nhất để bảo vệ tài sản trí tuệ của khách hàng.

Dịch vụ của chúng tôi bao gồm, nhưng không giới hạn, ở các nhiệm vụ sau:

  •   Tư vấn các phương án bảo vệ tài sản trí tuệ (ngoài việc xin cấp patent);
  •   Xây dựng và hoàn thiện các biện pháp bảo vệ bí mật kinh doanh;
  •   Soạn thảo Thỏa thuận/Hợp đồng để xác định và bảo vệ các tài sản trí tuệ;
  •   Tranh tụng và giải quyết tranh chấp liên quan đến bí mật kinh doanh.
Liên hệ:
Luật sư  Phạm Anh Tuấn
Phòng  Tranh tụng và Thực thi quyền
Số điện thoại: (84-24) 38 244 852 - Máy lẻ 221
Email: hanoi@pham.com.vn

 

Câu hỏi thường gặp

TS1.  Loại thông tin nào thường được bảo vệ dưới dạng bí mật kinh doanh?

Nói chung, bất kỳ thông tin thương mại nào mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và người khác không biết  đều có thể được bảo vệ dưới dạng bí mật kinh doanh. Bí mật kinh doanh bao gồm cả thông tin kỹ thuật (ví dụ, thông tin liên quan đến quy trình sản xuất, dữ liệu nghiên cứu thử nghiệm, thuật toán phần mềm…) và thông tin thương mại (ví dụ, phương thức phân phối, danh sách nhà cung cấp và khách hàng, chiến lược quảng cáo…)

Bí mật kinh doanh cũng có thể được tạo thành từ một số, hoặc nhiều thông tin thành phần đã được bộc lộ, nhưng khi kết hợp lại và được giữ bí mật sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh với đối thủ.

Các thông tin tài chính của một doanh nghiệp, công thức và cách chế biến và mã nguồn…cũng có thể là bí mật kinh doanh.

TS2.  Để bảo hộ bí mật kinh doanh cần đáp ứng các điều kiện gì?

Về nguyên tắc, để được bảo hộ là bí mật kinh doanh, thông tin phải đáp ứng các yêu cầu sau: (i) phải được bảo mật (có nghĩa là không được biết đến hoặc dễ dàng truy cập đối với những nhóm người thường xử lý loại thông tin được đề cập). Không bắt buộc phải giữ bí mật tuyệt đối. Ví dụ, một bí mật kinh doanh có thể được giữ bởi một số bên, miễn là những người khác làm việc trong lĩnh vực này không biết, (ii) phải có giá trị thương mại thực tế hoặc tiềm năng, và (iii) phải tuân theo các bước “hợp lý” của chủ sở hữu hợp pháp thông tin để giữ được bí mật (ví dụ: thông qua các thỏa thuận bảo mật). Mặc dù các bước “hợp lý” có thể tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng trường hợp, nhưng các biện pháp phổ biến sau thường được áp dụng để bảo vệ bí mật kinh doanh:

– Đánh dấu tài liệu,

– Cách ly và bảo vệ thông tin về mặt vật lý, ví dụ nộp lưu có khóa riêng biệt; kiểm soát truy cập; chia nhỏ thông tin; kiểm tra giám sát thường xuyên;

– Cách ly và bảo hộ dữ liệu điện tử: như kiểm soát truy cập; mã hóa, xây dựng tường lửa; giám sát kiểm tra dữ liệu đi và đến…

–  Đối với các bên thứ ba: lập hợp đồng bảo mật, hạn chế tiếp cận chỉ theo nhu cầu cần phải biết…

– Giáo dục, đào tạo và định kỳ kiểm tra nội bộ về ý thức bảo mật thông tin;

TS3.  Hành vi nào bị coi là xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh?

Điều 127 Luật SHTT quy định các hành vi sau bị coi là xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh:

a) Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh đó;

b) Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó;

c) Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh;

d) Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền;

đ) Sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được có liên quan đến một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này;

e) Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật dữ liệu thử nghiệm.

2. Người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm chủ sở hữu bí mật kinh doanh, người được chuyển giao hợp pháp quyền sử dụng bí mật kinh doanh, người quản lý bí mật kinh doanh.

Các bài viết khác