Logo

Công ty CP sản xuất thép Việt Mỹ kiện Công ty CP bảo hiểm PETROLIMEX ra tòa

05/03/2019
Tháng 9 năm 2018, giới truyền thông trong nước đã đồng loạt đưa tin liên quan đến vụ tranh chấp bồi thường bảo hiểm giữa một bên là Công ty Thép Việt Mỹ (“Công ty Việt Mỹ”) và một bên là Công ty Bảo hiểm Pjico (“Công ty Pjico”).

Thực hư vụ việc như thế nào, với tư cách là Văn phòng luật sư được Công ty Việt Mỹ tin tưởng, mời làm Người đại diện và Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Việt Mỹ trước Tòa án, Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh (“Phạm và Liên Danh”) là người nắm rõ nội dung cũng như là bản chất pháp lý của vụ việc trên.

Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp

Ngày 31-12-2016, Công ty Việt Mỹ và Công ty Pjico thông qua Công ty Pjico - CN Đà Nẵng ký hợp đồng bảo hiểm nguyên tắc để bảo hiểm cho lô hàng 1.799 tấn thép (“Lô hàng”) của Công ty Việt Mỹ. Trên cơ sở đó, lần lượt ngày 14-10-2017 và ngày 17-10-2017, Công ty Pjico - Chi nhánh Đà Nẵng đại diện Công ty Pjico cấp đơn bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam và giấy sửa đổi, bổ sung để bảo hiểm cho lô hàng của Công ty Việt Mỹ được vận chuyển bằng tàu Quang Trung 05 - BLC hành trình từ cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) đến cảng Long Bình (Đồng Nai).

Ngày 21-10-2017, trong hành trình vận chuyển Lô hàng, tàu Quang Trung va chạm với phương tiện thủy nội địa New Port Cypress của Công ty CP Đại lý Cypress Châu Á tại khu vực sông Nhà Bè, luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, làm toàn bộ Lô hàng bị chìm cùng với tàu Quang Trung.

Sau khi sự việc xảy ra, được sự chấp thuận của Công ty Pjico - Chi nhánh Đà Nẵng, Công ty Việt Mỹ đã tạm ứng các khoản tiền để tổ chức trục vớt Lô hàng và tàu Quang Trung, vận chuyển, kiểm đếm, lưu kho, lưu bãi để phục vụ công tác điều tra. Do Lô hàng bị gỉ sắt nên phía người mua đã từ chối nhận, Công ty Việt Mỹ buộc phải thuê Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Đà Nẵng tổ chức bán đấu giá Lô hàng để giảm thiểu tổn thất khi đã có văn bản chấp thuận từ Công ty Pjico.

Sau khi hoàn thành mọi thủ tục như yêu cầu của Công ty Pjico, Công ty Việt Mỹ đã hoàn thành bộ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và gửi Công ty Pjico yêu cầu bồi thường bảo hiểm và tất cả các khoản chi phí liên quan đến tổn thất lô hàng là 10.249.796.237 đồng (mười tỷ, hai trăm bốn mươi chín triệu, bảy trăm chín mươi sáu nghìn, hai trăm ba mươi bảy đồng) nhưng Công ty Pjico đã từ chối. Lý do mà Công ty Pjico đưa ra là trường hợp tổn thất Lô hàng của Công ty Việt Mỹ rơi vào điều khoản loại trừ được quy định tại khoản 8 Điều 6 Chương III Quy tắc bảo hiểm hàng hóa trong lãnh thổ Việt Nam. Quá bức xúc khi bị từ chối bảo hiểm tổn thất cho Lô hàng đã được mua bảo hiểm, Công ty Việt Mỹ đã nhờ Phạm và Liên Danh đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Công ty Pjico đã thoái thác trách nhiệm bồi thường

Sau khi nhận được hồ sơ và Thư yêu cầu bảo hiểm từ Công ty Việt Mỹ, Công ty Pjico đã không thực hiện nghĩa vụ bồi thường của mình. Lý do mà Công ty Pjico đưa ra là tại thời điểm xảy ra tai nạn chìm tàu dẫn đến tổn thất Lô hàng, số lượng định biên trên tàu Quang Trung không phù hợp với Giấy chứng nhận định biên an toàn tối thiểu nên suy ra tàu Quang Trung không đủ khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông. Trường hợp đó thuộc điều khoản loại trừ bảo hiểm đã được quy định tại Khoản 8, Điều 6, Chương III của Quy tắc bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam 2008 (“Quy tắc bảo hiểm”). Do vậy, tổn thất Lô hàng trên của Công ty Việt Mỹ sẽ không được Công ty Pjico bồi thường. Nhưng vấn đề quan trọng ở đây là không có nội dung nào trong hợp đồng bảo hiểm cũng như quy định của pháp luật thể hiện “tại thời điểm xảy ra tai nạn, số lượng thuyền viên không phù hợp với Giấy chứng nhận định biên an toàn tối thiểu là tàu không đủ khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông”.

Quan điểm của Phạm và Liên Danh

         Việc Công ty Pjico cho rằng “không đủ định biên an toàn tối thiểu tại thời điểm xảy ra tai nạn là phương tiện (tàu) không đủ khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông” hoàn toàn là suy diễn vô căn cứ, vì:

(i)         Không có điều khoản nào tại Hợp đồng quy định “không đủ định biên an toàn tối thiểu là phương tiện (tàu) không đủ khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông”;
(ii)        Không có điều khoản nào của pháp luật quy định “không đủ định biên an toàn tối thiểu là phương tiện (tàu) không đủ khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông”.

         Tàu Quang Trung hoàn toàn đủ khả năng lưu hành và đảm bảo an toàn giao thông theo quy định pháp luật, cụ thể với phương tiện vận chuyển là tàu biển thì theo quy định Bộ luật Hàng hải, khả năng lưu hành, đảm bảo an toàn giao thông chính là khả năng đi biển của tàu:

(i)         Tàu Quang Trung 05 đã được Cục đăng kiểm Việt Nam cấp Giấy chứng nhận khả năng đi biển số 00806/17HP-SW ngày 27/4/2017. Theo đó, tàu Quang Trung đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đủ khả năng đi biển, đủ khả năng lưu hành và đảm bảo an toàn hoạt động trên biển;
(ii)        Khi bắt đầu hành trình, tàu Quang Trung đã hoàn thành thủ tục rời cảng và đã được Cảng vụ thành phố Đà Nẵng cấp Giấy phép rời cảng số 724013/GP-CVHHĐN ngày 18/10/2017. Căn cứ quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 98 Bộ luật Hàng Hải về “nguyên tắc tàu thuyền rời cảng biển”, với Giấy phép rời cảng trên, Cơ quan có thẩm quyền đã chứng nhận tàu Quang Trung đủ các điều kiện về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định pháp luật để hoạt động trên biển;
(iii)       Mặt khác, tại thời điểm mua bảo hiểm hàng hóa vận chuyển nội địa với Lô hàng được vận chuyển bởi tàu Quang Trung, Công ty Việt Mỹ đã gửi yêu cầu bảo hiểm cùng toàn bộ hồ sơ, chứng từ liên quan, bao gồm Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển, Giấy chứng nhận khả năng đi biển, Giấy chứng nhận bảo hiểm của tàu Quang Trung cho Công ty Pjico. Công ty bảo hiểm đã xem xét các hồ sơ, chứng từ liên quan và trên cơ sở nhận định phương tiện vận chuyển, cụ thể là tàu Quang Trung là đủ khả năng đi biển nên mới đồng ý cấp đơn bảo hiểm để bảo hiểm cho Lô hàng của Công ty Việt Mỹ được vận chuyển bằng tàu Quang Trung.

Từ những phân tích trên đây cho thấy tàu Quang Trung không thuộc trường hợp “phương tiện vận chuyển không đủ khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông”. Vì vậy, việc Công ty Pjico cho rằng tàu Quang Trung không đủ khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông là không có căn cứ.

Quan điểm của cơ quan ngôn luận và các chuyên gia

Trong bài viết của mình đăng trên tờ VietTimes ngày 20/9/2018, nhà báo Hồ Xuân Mai cho rằng Công ty Pjico đang có nhầm lẫn giữa chủ hàng và chủ tàu, cụ thể: “Khi hải hành, người có thẩm quyền cao nhất trên tàu là thuyền trưởng. Chủ hàng không có quyền tác động vào quyết định vận hành tàu của thuyền trưởng. Do đó, việc thiếu định biên (3 thủy thủ lên bờ với sự cho phép của thuyền trưởng), nếu là lỗi, thì cũng thuộc về thuyền trưởng và doanh nghiệp đã thuê thuyền trưởng tàu Quang Trung 05-BLC. Trong trường hợp này, phân biệt lỗi cố ý hay bất khả kháng, là việc của chủ tàu với nhà bảo hiểm của chủ tàu. Với chủ hàng, tai nạn xảy ra đã là bất khả kháng. Và về nguyên tắc bảo hiểm thế giới, chủ hàng sẽ được bảo hiểm cho những tai nạn bất khả kháng.Nói cách khác, nếu không thể chứng minh được chủ hàng và chủ tàu đã cố tình làm cho tàu Quang Trung 05-BLC bị đắm và hư hỏng hàng hóa, thì có nghĩa Pjico Đà Nẵng có đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho Công ty Thép Việt Mỹ.Và đó là trách nhiệm pháp lý, nghĩa vụ đạo đức của nhà bảo hiểm với khách hàng, khi xảy ra tai nạn”.

Nhà Báo Công Khanh, trong bài viết của mình đăng trên Báo Công an Đà Nẵng 20/9/2018, đã đưa ra nghi vấn: “phải chăng Công ty Pjico đã giải quyết vụ việc dựa trên Báo cáo kết luận điều tra mà bỏ qua quy định của pháp luật, áp dụng điều khoản loại trừ trái với quy định pháp luật?”.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, Ông Trương Minh Cát Nguyên – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn pháp lý bảo hiểm trong buổi chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán đã nhận định: “Để chứng minh tàu không đủ khả năng đi biển dẫn đến tổn thất hàng hóa thì nhà bảo hiểm phải làm rõ 2 nội dung: Thứ nhất, tàu không đủ khả năng đi biển trước khi bắt đầu hành trình; thứ hai, việc không đủ khả năng đi biển là nguyên nhân gây ra tổn thất. Nếu chứng minh được 2 nội dung trên thì Công ty Pjico hoàn toàn có cơ sở để từ chối bồi thường trong vụ việc này” (Chuyên mục Pháp luật, Báo Đầu tư Chứng khoán số ra ngày 29/9/2018).

Mọi vấn đề dường như rất rõ ràng, tuy nhiên, Công ty Pjico vẫn tìm cách thoái thác, né tránh. Tất cả thiện chí của Công ty Việt Mỹ và  Phạm và Liên Danh với mong muốn giải quyết tranh chấp trong êm thấm thông qua phương thức thương lượng, hòa giải nhằm giữ được mối quan hệ tốt đẹp cho cả hai công ty đều bị Công ty Pjico từ chối. Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Công ty Việt Mỹ đã kiện Công ty Pjico ra tòa án nhân dân quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng với yêu cầu Tòa án buộc Công ty Pjico phải thanh toán cho Công ty Việt Mỹ tiền bồi thường bảo hiểm và tất cả các khoản chi phí liên quan đến tổn thất lô hàng là 10.249.796.237 đồng (mười tỷ, hai trăm bốn mươi chín triệu, bảy trăm chín mươi sáu nghìn, hai trăm ba mươi bảy đồng), và lãi suất phát sinh tương ứng với thời gian chậm thanh toán.


Để có thêm thông tin chi tiết hoặc giải đáp thắc mắc xin liên hệ:
Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng
147 Trưng Nữ Vương , Q. Hải Châu,TP Đà Nẵng
Tel: (0236) 3572456/ Ext 103; Fax: (0236)3572454
Email: saigon@pham.com.vn

 

Các bài viết khác