Logo

Nhãn hiệu “High performance, Delivered, hình” theo ĐQT no.1173373 được chấp nhận bảo hộ tổng thể

12/02/2019

Nhãn hiệu “High performance, Delivered, hình”  cho các nhóm sản phẩm/dịch vụ 09, 16, 35, 36, 37, 41, 42, 45  theo đơn quốc tế số 1173373 của Accenture Global Services Limited (AGS) được chấp nhận bảo hộ tổng thế, không bảo hộ riêng "High performance" và "Delivered"...

Nhãn hiệu “High performance, Delivered, Hình”  cho các nhóm sản phẩm/dịch vụ 09, 16, 35, 36, 37, 41, 42, 45  theo đơn quốc tế (ĐQT) số 1173373 chỉ định Việt Nam  của Accenture Global Services Limited (AGS) bị Cục Sở hữu trí tuệ từ chối tạm thời bảo hộ (Thông báo số 2013/35 VTB05 ngày 04/09/2014 của Cục SHTT) với lý do dấu hiệu xin đăng ký không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ qui định tại Điều 74.2(a),(c) Luật SHTT.

Thừa ủy quyền AGS,  VPLS Phạm và Liên danh đã khiếu nại (lần 1) thông báo nói trên của Cục SHTT. Tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 4135/QĐ-SHTT ngày 17/10/2016, Cục SHTT vẫn giữ nguyên ý kiến từ chối. VPLS  Phạm và Liên danh khiếu nại (lần 2) lên Bộ Khoa học và Công nghệ với lập luận như sau:

1. Dấu hiệu xin đăng ký không phải là dấu hiệu hình đơn giản, đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ qui định tại Điều 74.2(a) Luật SHTT.

Trong thực tế, Cục SHTT đã chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu hình “>” theo Giấy chứng nhận ĐKNH số 254105 ngày 09/11/2015;

2. Dấu hiệu xin đăng ký đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ qui định tại Điều 74.2(c) Luật SHTT

Theo qui định tại Điều 74.2(c), dấu hiệu bị coi là mô tả là dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần công dụng, giá trị… mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ.

Căn cứ vào qui định nêu trên, dấu hiệu xin đăng ký chắc chắn không phải là dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, tính chất, thành phần của sản phẩm và dịch vụ xin đăng ký. Ví dụ, dấu hiệu chỉ thời gian là hình chiếc đồng hồ, giờ, phút, năm. Các dấu hiệu bị coi là mô tả thường là các dấu hiệu chứa đựng thông tin mà khi nhìn hoặc nghe thấy người ta có thể biết được “ngay lập tức dấu hiệu đó chỉ tới” cái gì cụ thể và người ta biết ngay đó là gì mà không cần phải suy luận, ví dụ bánh ngọt.

Trong trường hợp đang xem xét, phần chữ của dấu hiệu xin đăng ký là một cụm từ “High performance. Delivered.”. Trong đó, “High” có nghĩa là “cao”, “performance” là một từ đa nghĩa thường được để diễn tả một chương trình biểu diễn, một cuộc thi đấu, “delivered” có nhiều nghĩa: phân phát, giao, đọc, phát biểu… Cả cụm từ “High performance. Delived.” không mô tả trực tiếp và cụ thể bất kỳ đặc tính, chất lượng nào của sản phẩm hay dịch vụ xin đăng ký. Nói cách khác, cụm từ này không làm cho người tiêu dùng ngay lập tức biết được bất kỳ chất lượng cụ thể nào của sản phẩm và dịch vụ mang nhãn hiệu.

Ví dụ: sản phẩm nhóm 16 là các ấn phẩm, tạp chí sách hướng dẫn trong lĩnh vực quản lý kinh doanh, công nghệ thông tin. Khi một khách hàng nhìn thấy các ấn phẩm này trên đó có dấu hiệu xin đăng ký, họ không thể biết được chất lượng, nội dung cụ thể của thông tin chứa đựng trong các ấn phẩm đó là gì.

Tương tự đối với các sản phẩm xin đăng ký thuộc Nhóm 09, ví dụ đối với các phần mềm về thiết kế, cài đặt và chạy máy tính trung tâm, hay phần mềm quản lý nhân sự… thì người tiêu dùng, thậm chí ngay cả những người hiểu biết về lĩnh vực tin học cũng không thể biết được cụ thể các phần mềm này như thế nào khi chỉ thuần túy nhìn thấy dấu hiệu xin đăng ký  .

Đối với các dịch vụ xin đăng ký cũng vậy, người sử dụng dịch vụ cũng không thể biết được bất kỳ một thông tin cụ thể nào về phương thức, cách thức, chất lượng của dịch vụ xin đăng ký khi chỉ thuần túy nhì thấy dấu hiệu xin đăng ký.

Từ phân tích trên, người khiếu nại cho rằng dấu hiệu xin đăng ký hoàn toàn có khả năng phân biệt tự thân, không trực tiếp mô tả sản phẩm và dịch vụ xin đăng ký và do đó đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ qui định tại Điều 74.2(a), (c)  Luật Sở hữu trí tuệ.

3. Dấu hiệu xin đăng ký đã được chấp nhận bảo hộ ở nhiều nước trên thế giới

Mặc dầu mỗi quốc gia có một hệ thống xét nghiệm nhãn hiệu riêng, nhưng tiêu chuẩn đánh giá bảo hộ nhãn hiệu ở các nước trên thế giới ngày càng trở nên tương đồng, đặc biệt là tiêu chuẩn đánh giá khả năng phân biệt tự thân của nhãn hiệu. Dấu hiệu xin đăng ký đã được chấp nhận bảo hộ ở 51 nước trên thế giới bao gồm: 28 nước châu Âu hệ thống đăng ký CTM, 17 nước theo đăng ký quốc gia và 6 nước theo ĐKQT (Moroco, Kenya, Ukraine, Switzerland, Turkey, Japan – theo ghi nhận trong ĐKQT số 1173373).

Bộ KH-CN nhận định lập luận của VPLS Phạm và Liên danh về khả năng phân biệt (tổng thể) của nhãn hiệu đăng ký là có cơ sở; kết luận của Cục SHTT tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 4135/QĐ-SHTT ngày 17/10/2016 là chưa phù hợp. Tuy nhiên, nếu tách riêng cụm từ “High performance” (với ý nghĩa là “hiệu suất cao”) và “Delivered” (với ý  nghĩa “đã giao” [tới người nhận]) thì các từ ngũa này có thể được hiểu là trực tiếp chỉ ra chất lượng và phương thức cung cấp sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu. Do đó, việc AGS làm rõ yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu, cụ thể  là bảo hộ tổng thể, không bảo hộ riêng “High performance” và “Delivered”, là cần thiết và phù hợp.

Bộ KH-CN đã chấp nhận khiếu nại của AGS và đã yêu cầu Cục SHTT hủy bỏ Quyết định 4135/QĐ-SHTT ngày 17/10/2016 và thực hiện việc bảo hộ tổng thể nhãn hiệu “High performance, Delivered, Hình”  không bảo hộ riêng “High performance” và “Delivered” theo ĐQT 1173373.

Các bài viết khác