Logo

Bàn thêm về vụ “CR7 CRISTIANO RONALDO” vs “CR7” tại Hoa Kỳ

10/07/2021

Qua vụ tranh chấp NH giữa “CR7 CRISTIANO RONALDO” với “CR7”chúng ta hiểu rõ hơn về thủ tục xác lập quyền NH tại Hoa Kỳ. Trong vụ này, một số điểm đáng lưu ý là: nguyên tắc đánh giá NH tương tự; trình tự tiến hành các thủ tục đan xen nhau nhưng liên quan đến cùng một đối tượng bảo hộ;  đặc điểm của thủ tục hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu…và so sánh, khi có thể, với thủ tục xác lập quyền nhãn hiệu ở Việt Nam.

  1. Về thứ tự ưu tiên giữa các thủ tục liên quan

Trong vụ này có 03 thủ tục được thực hiện cùng lúc, đó là:

(a) Công ty JBS Textile Group A/S aktieselskap (a/s)(“JBS”) ở Đan Mạch, được danh thủ C. Ronaldo ủy quyền,  đã nộp đơn số 86239907 ngày 02/04/2014 tại USPTO để đăng ký nhãn hiệu “CR7 CRISTIANO RONALDO” cho Nhóm 25; ngày 14/07/2014thẩm định viên của USPTO đã ra Thông báo số 067137.tbdtừ chối đơn này với lý NH trong đơn gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “CR7” có ngày nộp đơn 25/06/2009, được cấp Đăng ký NH số3637974ngày 16/06/2009 dưới tên ông Renzi Christopher;

(b) Ngày 22/05/2014, nghĩa là trước khi thẩm định viên ra thông báo từ chối số 067137.tbd nêu ở điểm (a) nói trên, JBS đã nộp đơn số 92059590yêu cầu hủy Đăng ký NH số 3637974 cấp cho ông Renzi Christopher;

(c) Ngày 15/07/2014 Hội đồng xét xử và khiếu nại về nhãn hiệu (TTAB) của USPTO thông báo về đề nghị hủy bỏ hiệu lực Đăng ký NH số 3637974. Sau đó, vào ngày 28/07/2014 ông Renzi Christopher đã khởi kiện JBS và ông C. Ronaldo ra Tòa án Liên bang ở Quận Rhode Islan yêu cầu Tòa tuyên việc ông đăng ký và sử dụng nhãn hiệu “CR7”không xâm phạm bất cứ quyền nào của phía bị kiện.

Rõ ràng, ở cả 3 thủ tục pháp lý nêu trên đối tượng vẫn là nhãn hiệu “CR7”, các bên tham gia không có gì khác,một bênlà ông Renzi Christopher và bên kia là JBS và ông C. Ronaldo, nhưng đóng vai trò khác nhau ở mỗi vụ . Do 3 thủ tục trên được tiến hành gần như đồng thời  nên  USPTO đã  dừng thủ tục pháp lý có liên quan , cụ thể

-   Thẩm định viên  của  USPTO đã quyết định dừng thủ tục thẩm định đơn đăng ký NH “CR7 CRISTIANO RONALDO” để chờ TTAB xử lý yêu cầu hủy bỏ NH đối chứng “CR7” vì cho rằng kết luận của TTAB sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc quyết định đối tượng trong đơn đăng ký có được bảo hộ hay không.

- Đồng thời TTAB thừa nhận :  luật quy định rằng phán quyết của của Toà án Liên bang, nơi ông Renzi Christopher khởi kiện vụ án dân sự, có hiệu lực pháp lý cao hơn quyết định của TTAB bởi vậy TTAB đã đình chỉ việc xem xét đề nghị hủy bỏ hiệu lực nhãn  hiệu “CR7” để tham chiếu phán quyết của tòa.

 Như vậy, vụ kiện dân sự là thủ tục được ưu tiên thực hiện trước nhất và kết quả của nó sẽ chi phối các thủ tục còn lại.

Luật pháp về nhãn hiệu của Việt Nam chưa được quy định rõ ràng để xác định thủ tục ưu tiên khi có sự chông chéo  như trên.

  1. Tính dân sự trong thủ tục hủy bỏ hiệu lực NH

Việc xem xét, thực hiện hủy bỏ hiệu lực NH tại TTAB được coi là một thủ tục dân sự (civilproceeding) khá phức tạp; các bên tranh chấp được gọi là nguyên đơn (petitioner/plaintiff) và bị đơn (respondent/defendant). Bởi vậy, trong thông báo về đề nghị hủy bỏ hiệu lực ngày 15/07/2014 gửi chủ nhãn hiệu “CR7”, TTAB đã khuyến nghị các bên sử dụng dịch vụ luật sư, được viết như sau:

“… Việc[hủy bỏ hiệu lực] này tương tự một vụ kiện dân sự tại một tòa án liên bang cấp quận.TTABthật sự (“strongly”)khuyên các bên nên sử dụng dịch vụ của luật sư am hiểu về Luật nhãn hiệu và các thủ tục của  TTAB. Tất cả các bên đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các Quy định thực hành về nhãn hiệu và có thể là cả Quy định của liên bang về thủ tục dân sự, cho dù họ có được đại diện bởi luật sư hay không…”

Cần nói thêm rằng, do JBS đã nộp đơn đề nghị hủy bỏ hiệu lực NH “CR7” của ông Renzi vào ngày 22/05/2014  nên nhãn hiệu này đã mất cơ hội để có thể được công nhận địa vị “không thể tranh cãi” (“incontestable)” theo Mục 15. Tuyên bố, Luật Nhãn hiệu (Lanham Act). Về cơ bản, đó là sau 5 năm  kể từ ngày được cấp Đăng ký, chủ nhãn hiệu có thể nộp một Tuyên bố và nhãn hiệu trở thành “không thể tranh cãi”. Điều đó có nghĩa là sau thời gian đó, chỉ có thể  đề nghị hủy hiệu lực Đăng ký  nhãn hiệu nói đến trên cơ sở một vài lý do giới hạn (như, nhãn hiệu đã trở thành thuật ngữ chung,  việc nộp đơn  đăng ký nhãn hiệu là  không trung thực, hoặc nhãn hiệu đã bị từ bỏ). Bản Tuyên bố đó đi kèm lệ phí đã nộp và lời tuyên bố rằng chủ nhãn hiệu đã: (i) sử dụng liên tục nhãn hiệu trong thương mại trong 05 năm, (ii) đã không nhận được một quyết định cuối cùng nào bất lợi cho chủ sở hữu về quyền sở hữu NH, và (iii) không có thủ tục pháp lý liên quan đến NH đang hoặc chờ xử lý tại USPTO hoặc tòa án.Một khi nhãn hiệu được công nhận là “không thể  tranh cãi” thì không dễ hủy bỏ hiệu lực của nó[1].

Thời hạn 05 năm chờ đợi của Renzi kết thúc vào ngày 16/06/2014. Rất đáng tiếc, trước đó vào ngày 22/05/2014 bên C. Ronaldo đã nộp đơn yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu của “CR7” của Renzi.

  1. Xác định tính tương tự của nhãn hiệu 

Thẩm định viên đã khẳng định rõ rằng sự tương tự giữa hai nhãn hiệu “CR7” và “CR7 CRISTIANO RONALDO” bắt nguồn từ vị trí của thành phần trùng lặp “CR7”và nguyên tắc quan trọng nhất trong thẩm định nhãn hiệu là:

“... theo Mục 2(d) của Luật Nhãn hiệu, khi xác định khả năng xảy ra nhầm lẫn giữa các nhãn hiệu, vấn đề không phải là liệu mọi người sẽ nhầm lẫn giữa các nhãn hiệu hay không, mà là liệu các nhãn hiệu có làm họ nhầm lẫn [để] tin rằng hàng hóa và/hoặc dịch vụ mà họ xác định đến từ một xuất xứ nào đó.Bởi vậy, thẩm định về khả năng nhầm lẫn nhãn hiệu không phải là xác định liệu có thể phân biệt được các nhãn hiệu khi chúng được đặt cạnh nhau (side by side) hay không mà là liệu các nhãn hiệu có tạo ra cùng một ấn tượng tổng thể hay không...”

Nguyên tắc nói trên chú trọng vào ấn tượng tổng thể của nhãn hiệu đến người tiêu dùng, loại bỏ cách so sánh trực tiếp nhãn hiệu với nhau để xác định sự  tương tự thông qua các điểm khác biệt.Bởi vì, nếu tiếp cận  theo cách sau thì cặp nhãn hiệu “CR7” và “CR7 CRISTIANO RONALDO” có nhiều khác biệt dễ nhân biết (về số lượng chữ cái, âm tiết, ý nghĩa…), như vậy thành phần “CRISTIANO RONALDO”có thể ảnh hưởng đến kết quả đánh giá sự tương tự của nhãn hiệu, đặcbiệt khi tính đến sự nổi tiếng củaC.Ronaldo.Tuy nhiên, vì khẳng định việc thêm vào thành phần chữ “CRISTIANO RONALDO” không làm thay đổi ấn tượng tổng thể của nhãn hiệu “CR7 CRISTIANO RONALDO” nên thẩm định viên xác định nhãn hiệu này tương tự với nhãn hiệu “CR7”.

Tại Việt Nam nguyên tắc trên cũng được thể hiện trong quá trình thẩm định nhãn hiệu nhưng chưa rõ ràng. Vì thế, khi có phản biện  kết quả thẩm định bằng phương pháp so sánh nhãn hiệu trực tiếp (side by side) như đã nêu trên  sẽ gây ra nhiều khó khăn khi giải quyết tranh chấp dưới dạng khiếu nại từ chối câp đăng ký nhãn hiệu, đề nghị hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu, thậm  chí cả khi xác định tương tự sự nhãn hiệu trong các trường hợp xử lý hành vi  xâm phạm quyền

4.   Về sự nổi tiếng  trong vụ tranh chấp

4.1 Mối liên hệ giữa sự nổi tiếng của  dấu hiệu “CR7”  và  việc  nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “CR7” của ông Renzi

Vụ việc này cho thấy không phải một nhãn hiệu cứ trùng lặp với dấu hiệu nổi tiếng là dễ dàng  bị hủy bỏ.Chứng cứ mà phía JBS cung cấp cho thấy vào năm 2008 khi ông Christopher Renzi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu  “CR7” thì C.Ronaldo đã là cầu thủ rất nổi tiếng với áo số 7,  từ đó JBS suy luận rằng ông C. Renzi đã biết về sự nổi tiếng đó (“CR7”) và nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “CR7” nhằm thu lợi từ sự nổi tiếng của C.Ronaldo. Đó là  dấu hiệu của sự không trung thực/cạnh tranh không lành mạnh.

Tuy nhiên C. Renzi cũng đưa ra các lập luận phù hợp để chứng minh sự hợp lý của NH “CR7”  mà ông nộp đơn đăng ký , đó là: “CR7” là viết tắt “Christopher Renzi”  tên của chủ nhãn hiệu và có ngày sinh là 10/07/1970. Đồng thời phía C. Renzi cũng lập luận thêm rằng phía C.Ronaldo chưa hề sử dụng nhãn hiệu ‘CR7” cho sản phẩm Nhóm 25 tại Hoa Kỳ. Đây là những lập luận khá mạnh để bác bỏ cáo buộc của phía C. Ronaldo.

Do các thủ tục tranh chấp không đi đến cùng vì các bên đều rút đơn nên không rõ nhận định của Cơ quan xét xử đối với  các lập luận trên. Tuy nhiên hành động cùng rút đơn cho thấy việc tiếp tục các thủ tục pháp lý đã khởi xướng với hy vọng giành thắng lợi là không dễ dàng cho mỗi bên; tốt nhất là thỏa hiệp để đạt được mục đích của mình. Kết quả là, năm 2017 C. Ronaldo đã trở thành chủ Đăng ký NH số 3637974- “CR7” theo thủ tục chuyển giao quyền  sở hữu được đăng ký tại USPTO.

4.2 Thực tế ở Việt Nam.

Việt  Nam cũng  từng có quy định về bảo hộ NH nổi tiếng ở Việt Nam với  nội hàm tương tự, đó là Điểm 6.1.b Thông tư 437/SC ngày 19.3.1993 của Bộ KH&CN & MT,  quy định như sau:

“...Nhãn hiệu được cấp Giấy chứng nhận đăng ký trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu phải được coi là nổi tiếng.

Trường hợp khiếu nại với lý do nêu tại điểm 6.1.b), người khiếu nại phải chứng minh đầy đủ yếu tố sau đây:

a) Trước thời điểm nộp đơn đăng ký đã có một tổ chức, cá nhân khác (không phải người nộp đăng ký) sử dụng liên tục, rộng rãi nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức bị nhầm lẫn với nhãn hiệu được nộp đơn đăng ký cho cùng sản phẩm hoặc sản phẩm cùng loại;

b) Tại thời điểm nộp đơn, người nộp đơn đăng ký biết hoặc không thể không biết sự tồn tại sử dụng nhãn hiệu như nêu tại đoạn a) trên đây.

Trường hợp khiếu nại với lý do nêu tại điểm 6.1b) người khiếu nại phải đưa ra căn cứ để chứng minh rằng nhãn hiệu bị trùng hoặc bị nhầm lẫn phải được coi là nổi tiếng...”

Một trường hợp điển hình là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tại Bản án Hành chính sơ thẩm số 03/2013/HCST ngày 29/3/2013 đã bác đơn khởi kiện của  Marvel Entertainment Group, Inc./Marvel Characters, Inc. (“Marvel”) đề nghị Tòa hủy bỏ Quyết định số A05811/QĐĐK ngày 08/6/2005 của Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận ĐKNHHH số 63481 bảo hộ “X X-MEN, hình” cho Công ty Hàng gia dụng quốc tế vì tương tự với nhân vật “X-Men”  của Marvel Entertainment Group, Inc[2] . Trong quá trình xét xử Hội đồng xét xử không công nhận “X-Men” là nhãn hiệu nổi tiếng của Marvel cũng như Công ty Hàng gia dụng quốc tế có hành vi không trung thực trong việc sử dụng nhãn hiệu “X X-MEN, hình”. Vụ việc này  cũng có những tính chất tương tự như vụ tranh chấp  “CR7 CRISTIANO RONALDO” vs “CR7”./.


[1]Những nhãn hiệu không thể tranh cãi (“ Incontestable stable trademark”) là những nhãn hiệu mà ở hoàn cảnh bình thường được miễn bị phản đối. ... Khi đó, theo Mục 15, Đạo luật Lanham, trong thời gian từ ngày kỷ niệm lần thứ năm đến ngày kỷ niệm lần thứ sáu ngày đăng ký nhãn hiệu, chủ sở hữu nhãn hiệu có thể nộp tới USPTO một bản Tuyên bố về khả năng không thể xâm phạm [của nhãn hiệu].

[2] Bài đã đăng ngày 26/05/2021

Các bài viết khác