Logo

Intel bị cáo buộc vi phạm bằng sáng chế về FinFET của IMECAS Trung Quốc

15/01/2022
Trong lĩnh vực công nghệ cao, Hoa Kỳ chắc chắn là quốc gia dẫn đầu thế giới nhưng Trung Quốc cũng là một cường quốc trong lĩnh vực vi điện tử.

Thế kỷ 21 là kỷ nguyên của ngành công nghiệp thông tin. Các vụ kiện xâm phạm và tranh chấp về hiệu lực bằng sáng chế liên quan đến chip tích hợp thường đi cùng số tiền đòi bồi thường rất lớn. Bài viết dưới đây là một ví dụ.

1. Quá trình tranh chấp  sáng chế về FinFET

Công nghệ bóng bán dẫn hiệu ứng trường vây  (fin field-effect transistor) gọi tắt là  FinFET đã trở thành nền tảng cho bộ xử lý Intel kể từ năm 2011 và được sử dụng trong hầu hết mọi sản phẩm mà công ty bán ra. Tuy nhiên, kể từ năm 2018, Intel đã bị lôi kéo vào một vụ kiện về vi phạm bằng sáng chế ở Trung Quốc thể gây rắc rối lớn cho Intel. Một Viện nghiên cứu của chính phủ tuyên bố rằng nhà sản xuất Mỹ đang vi phạm bằng sáng chế FinFET của họ, dưới đây là qua trình tranh chấp.

Tháng 2/2018 Viện Nghiên cứu vi điện tử (IMECAS) thuộc Viện Hàn lâm  Khoa học Trung Quốc đã nộp đơn kiện Intel lên Tòa án Nhân dân Tối cao CHND Trung Hoa ở Bắc Kinh  về việc xâm phạm bằng sáng chế số “201110240931.5", yêu cầu bồi thường thiệt hại 200 triệu nhân dân tệ (tương đương 31 triệu USD), cũng như các chi phí pháp lý liên quan. Nguyên đơn cũng đang tìm kiếm lệnh cấm bán bộ vi xử lý Intel Core-series, được sử dụng trong các sản phẩm tiêu dùng, ít nhất là cho đến khi thỏa thuận cấp phép (về việc Intel sử dụng sáng chế của nguyên đơn) được ký kết.

Đối với người khổng lồ chip Intel, nếu thua vụ kiện này, không chỉ khả năng cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng lớn mà còn phải trả những khoản bồi thường nhất định cho các đối tác kinh doanh tại thị trường Trung Quốc. Điều đáng nói là vụ kiện này còn liệt hai đối tác kinh doanh của Intel là Dell và JD là bị đơn. Hai công ty này cũng đã đệ đơn yêu cầu bồi thường chống lại Intel. Để bảo vệ quyền lợi của mình, Intel đã nhiều lần cố gắng hủy bỏ hiệu lực bằng độc quyền sáng chế nêu trên của IMECAS, cụ thể :

- IMECAS đã đưa Intel ra tòa vì vi phạm bằng sáng chế vào tháng 2/2018, thì ngay sau đó vào tháng 3/2018, Intel đã kịp thời nộp đơn yêu cầu chấm dứt hiệu lực bằng sáng chế này lên CNIPA (Cơ quan Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc). Tuy nhiên, CNIPA đã đưa ra quyết định vào tháng 1/2019, duy trì hiệu lực bằng sáng chế. Intel đã thất bại trong thử thách đầu tiên.

- Tháng 1/2020, Intel nộp đơn thứ hai yêu cầu hủy bỏ hiệu lực bằng sáng chế này. CNIPA đã đưa ra quyết định vào tháng 8/2020, tuyên bố rằng bằng sáng chế không hợp lệ một phần, cụ thể: Intel đã thành công trong việc huỷ bỏ hiệu lực các yêu cầu số 8, 10 và 14 của sáng chế được bảo hộ, nhưng các yêu cầu số 1-7, 9 và 11-13 vẫn hợp lệ. Tuy nhiên với bằng sáng chế còn hợp lệ một phần như vậy,  IMECAS vẫn có thể  chống lại hành vi vi phạm của Intel một cách có hiệu quả. Đó là do, trong quá trình xem xét đề nghị  hủy bỏ lần thứ hai, CNIPA nhận thấy  các yêu cầu 8, 10 và 14 bị mất tính mới do bằng chứng quan trọng là một bằng sáng chế cũng được nộp bởi IMECAS và có ngày nộp đơn sớm hơn 3 tháng so với bằng sáng chế FinFET đang bị đề nghị huỷ bỏ hiệu lực. Có nghĩa là, ngay cả khi các yêu cầu trên bị vô hiệu, độc quyền sáng chế về các công nghệ có liên quan vẫn nằm trong tay của IMECAS, thậm chí các yêu cầu vừa bị huỷ bỏ hiệu lực và bằng sáng chế sớm hơn vừa nêu đều có chung hai tác giả chủ yếu.

- Cuộc chiến bằng sáng chế giữa Intel và IMECAS không hoàn toàn chỉ diễn ra trên lãnh thổ Trung Quốc. Vào tháng 9/ 2018 và tháng 3/2019, Intel đã nộp hai đơn lên Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO)đề nghị huỷ bỏ hiệu lực bằng sáng chế về FinFET số 9070719. Tuy nhiên, Intel đã thất vọng, USPTO đã lần lượt từ chối các đơn của Intel vào tháng 3 và tháng 9/2019, duy trì hiệu lực của bằng sáng chế  của IMECAS tại Hoa Kỳ.

- Intel cũng đã cố gắng đề nghị  bắt đầu quá trình xem xét giữa các bên (Inter Partes) tại USPTO nhằm tấn công bằng sáng chế về FinFET. Tuy nhiên, USPTO đã từ chối xét xử vụ việc, dành việc này cho các Cơ quan thẩm quyền Trung Quốc.

 - Vào tháng 12/ 2020, Intel đã lần thứ ba đệ trình yêu cầu hủy bỏ hiệu lực đối với bằng sáng chế FinFET lên CNIPA. Intel đã cung cấp một số tài liệu gồm các bằng sáng chế và tài liệu không phải là sáng chế (non - patent) để thuyết phục CNIPA rằng bằng sáng chế FinFET nêu trên phải bị hủy bỏ.  IMECAS cũng cung cấp nhiều chứng cứ phản bác. Vào tháng 8/2021, Ủy ban Thẩm định lại về sáng chế của CNIPA đã ra quyết định rằng bằng sáng chế của IMECAS về FinFET là hợp lệ.

Như vậy, IMECAS đã chiến thắng trong các vụ tranh chấp về huỷ bỏ hiệu lực bằng sáng chế FinFET nêu trên.Sau nhiều lần bị các Cơ quan Sáng chế của cả Trung Quốc và Hoa Kỳ từ chối, Intel ngày càng ở vào thế bất lợi trong vụ kiện tụng về vi phạm bằng sáng chế. Bởi vì bằng sáng chế FinFET này yêu cầu một phạm vi bảo hộ rất rộng, ở một mức độ lớn, công nghệ FinFET được sử dụng trong chip Intel Core nằm trong phạm vi bảo hộ bằng sáng chế của IMECAS. Khi  bằng sáng chế FinFET do IMECAS sở hữu được cho là hợp lệ ở Trung Quốc và Hoa Kỳ và nếu Intel thua vụ  kiện vi phạm quyền sáng chế thì việc sản xuất, cấp phép và bán bộ vi xử lý Intel Core ở Trung Quốc và cả  Hoa Kỳ đều sẽ vi phạm quyền bằng sáng chế của IMECAS.

Intel bắt đầu sử dụng công nghệ FinFET với sự ra mắt của dòng vi xử lý Ivy Bridge 22 - NM vào năm 2011 và vẫn không từ bỏ quyết định này cho đến ngày nay.  MECAS đã cố gắng củng cố vị thế của mình, cáo buộc Intel vi phạm thêm hai bằng sáng chế: thứ nhất ảnh hưởng đến việc sản xuất và bán bộ vi xử lý Core i3, thứ hai liên quan đến công nghệ bóng bán dẫn hiệu ứng trường. Những trường hợp này cũng dự đoán sẽ có lệnh cấm của Tòa và bắt buộc bồi hoàn chi phí .

2. Về các bên tranh chấp

Intel sẽ cố gắng tận dụng mọi cơ hội để giải quyết vấn đề với tư cách là một ông lớn dày dạn kinh nghiệm về luật sáng chế.  Intel sở hữu lượng bằng chế khổng lồ trong lĩnh vực vi xử lý máy tính PC, máy chủ và các thiết bị khác, đồng thời cũng có một vị trí vững chắc trên thị trường sản xuất chip. Năm 2011, Intel đã công bố kế hoạch sản xuất hàng loạt FinFET của mình. Năm 2012, Intel đã sử dụng rộng rãi công nghệ FinFET trong các bộ vi xử lý dòng 'Core'. Bộ phận pháp lý của Intel đã liên tục phải làm việc khi công ty đang vướng vào một loạt vụ kiện về VLSI (bộ tích hợp quy mô lớn), công ty cũng đã nộp các cáo buộc vi phạm bằng sáng chế. Công ty đã thu hồi được 2,18 tỷ đô la, nhưng bị thua kiện trong một vụ án khác. Toàn bộ quá trình của vụ kiện tụng này này có thể khiến Intel tiêu tốn tới 11 tỷ USD nếu nhà sản xuất này bị thua  ở tất cả các bang. Ngoài ra, công ty phải ứng phó với các đơn kiện khác, bao gồm cả những đơn kiện liên quan đến lỗ hổng Meltdown và Spectre, cũng như sự chậm trễ trong quá trình chuyển đổi sang công nghệ quy trình 7-NM.

Trong vụ việc này IMECAS có lợi thế hơn khi  tranh chấp trên sân nhà. Ngoài ra, IMECAS đã đăng ký hơn 5000 bằng sáng chế ở Trung Quốc và 500 bằng sáng chế ở các nước khác, trong số đó có 1505 bằng sáng chế liên quan đến công nghệ mạch tích hợp – Chủ thể này cũng có nhiều kinh nghiệm về luật sáng chế. IMECAS cũng nổi tiếng thế giới về số lượng và chất lượng bằng sáng chế cao. Các bằng sáng chế này bao gồm các lĩnh vực kỹ thuật phổ biến của công nghệ sản xuất mạch tích hợp, chẳng hạn như bóng bán dẫn hiệu ứng trường vây (FinFET), cổng kim loại cao - k (HKMG), công nghệ thoát nguồn, v.v. Trong những năm gần đây, IMECAS đã thu được lợi nhuận lớn từ hoạt động sáng chế và trở thành đơn vị tiên phong của các tổ chức nghiên cứu khoa học trên con đường kiếm tiền từ các bằng sáng chế.

Vụ kiện giữa Intel và IMECAS về bằng sáng chế FinFET vẫn chưa kết thúc. Những nỗ lực của Intel nhằm hủy bỏ hiệu lực bằng sáng chế đã vấp phải một bức tường đá. Có khả năng Intel thua kiện trong vụ việc này và cũng có thể Intel và IMECAS sẽ đạt được thỏa thuận giải quyết vấn đề, theo đó Intel sẽ trả phí sử dụng  sáng chế ở mức giá cả hai bên chấp nhận được./.

Nguồn : 

1.https://3dnews.ru/1049382/v-kitae-intel-obvinili-v-narushenii-patenta-finfet
2.https://www.mondaq.com/china/patent/1118994/200-million-dispute-chip-giant-intel-vs-chinese-academy-of-sciences-core39-processor-accused-of-infringing-finfet-patent;

Các bài viết khác