Logo

“ON-YASAI, hình” đăng ký cho dịch vụ nhà hàng các món ăn Nhật Nhóm 43 được bảo hộ tổng thể

28/02/2020
Nhãn hiệu  “ON-YASAI, hình” (tiếng Nhật ON-YASAI là rau hấp) đăng ký bảo hộ cho dịch vụ “nhà hàng các món ăn Nhật; dịch vụ cung cấp thực phẩm và đồ uống do nhà hàng thực hiện” bị từ chối với lý do không có khả năng phân biệt và mang tính mô tả sản phẩm...

Nhãn hiệu  “ON-YASAI, hình” (tiếng Nhật ON-YASAI là rau hấp)  theo Đơn số  4-2012-25241, nộp ngày 09/11/2012 của REINS International Inc. (Nhật Bản) xin đăng ký bảo hộ cho dịch vụ “nhà hàng các món ăn Nhật; dịch vụ cung cấp thực phẩm và đồ uống do nhà hàng thực hiện” thuộc Nhóm 43 bị Cục SHTT từ chối với lý do (i) không có khả năng phân biệt và (ii) Nhãn hiệu có phần chữ phiên âm “ON-YASAI” mang tính mô tả sản phẩm cho dịch vụ mà nhãn hiệu đăng ký bảo hộ như quy định tại Điều 74.2.a,c, Luật SHTT.

Đại diện cho REINS International Inc., Phạm và Liên danh đã khiếu nại (lần 1) quyết định từ chối đăng ký bảo hộ của Cục SHTT. Tại Quyết định số 1312/QĐ-SHTT ngày 15/5/2018 về giải quyết khiếu nại nói trên Cục SHTT vẫn bảo lưu quyết định trước đó.

Phạm và Liên danh tiếp tục khiếu nại (lần 2) lên Bộ trưởng Bộ KH-CN. Lập luận của hai lần khiếu nại được tóm tắt như sau:

(i) Nhãn hiệu xin đăng ký “ON-YASAI, hình”  là dấu hiệu kết hợp, gồm phần chữ ““ON-YASAI”  là các ký hiệu la-tinh có thể đọc được theo cách phát âm tiêng Việt và phần hình là một tập hợp một số họa tiết trang trí màu đỏ-đen và một số ký tự thuộc ngôn ngữ tượng hình tiếng Nhật. Sự kết hợp này cho thấy:

a) Về tổng thể, nhãn hiệu có khả năng phân biệt, không là “hình và hình học đơn giản, chữ số, chữ cái...” bị coi là không có khả năng phân biệt như quy định tại Điều 74.2.a,c Luật SHTT;

b) Nhãn hiệu xin đăng ký không mô tả dịch vụ đăng ký: Mặc dù nhãn chứa một số ký tự tiếng Nhật [ON-YASAI] được hiểu là rau hấp. Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng Việt Nam - nơi tiếng Nhật không được coi là ngôn ngữ thông dụng – “ON-YASAI” tự thân không mang nghĩa là rau hấp và cũng không gợi liên tưởng tới món ăn này. Hơn thế nữa các ký tự này được trình bày dưới dạng đồ họa nên được nhận biết như các dấu hiệu hình. Cũng vì lý do đó nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Nhật Bản và nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Mỹ, Hồng Kong, Philippine và Đài Loan;

c) Nhãn hiệu xin đăng ký đã được sử dụng tại nhiều quốc gia: Chủ đơn REINS International Inc., đã có hơn 30 năm hoạt động kinh doanh ẩm thực với 1248 của hàng tại Nhật Bản và 143 của hàng tại 11 quốc gia khác; nhãn hiệu của chủ đơn đã được người tiêu dùng biết đến một cách rộng rãi trên thế giới;

d) Nhãn hiệu xin đăng ký được sử dụng thực tế tại Việt Nam: Nhãn hiệu xin đăng ký đã được chủ đơn sử dụng cho các dịch vụ thuộc Nhóm 43 tại hệ thống các nhà hàng lẩu Nhật Bản “ON YASAI SHABU SHABU”  tại Việt Nam; được quảng cáo và giới thiệu rộng rãi tại các trang thông tin điện tử về ẩm thực tại Việt Nam như foody.vn; pasgo.vn, vinid.net, adayroi.com.vn

(ii) Chủ đơn đề nghị nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể, không bảo hộ riêng các ký tự tiếng Nhật.

Sau khi xem xét các chứng cứ Bộ KH-CN cho rằng khiếu nại của REINS International Inc. là có cơ sở.  Bộ KH-CN cũng đã tổ chức đối thoại giữa người khiếu nại và Cục SHTT để lắng nghe ý kiến các bên. Tại cuộc đối thoại hai bên đã đồng ý giải quyết vụ việc theo hướng chấp nhận đề nghị của REINS International Inc.

Trên cơ sở đó Bộ KH-CN đã ra Quyết định số 394/QĐ-BKHCN ngày 25/2/2020 hủy bỏ hiệu lực các quyết định trước đó của Cục SHTT và yêu cầu Cục SHTT tiến hành các thủ tục bảo hộ tổng thể nhãn hiệu  “ON-YASAI, hình”, không bảo hộ riêng các ký tự tiếng Nhật.

Các bài viết khác