Logo

Luật SHTT sửa đổi 2022:  Quy định chuyển tiếp liên quan đến đơn xác lập quyền SHCN

29/11/2022
Quy định chuyển tiếp của Luật SHTT Sửa đổi 2022 có phạm vi điều chỉnh rộng với các đối tượng và thời điểm áp dụng khác nhau

So với Điều 220.Quy định chuyển tiếp của Luật SHTT hiện hành[1] thì Điều 4.Quy định chuyển tiếp của Luật SHTT Sửa đổi 2022[2]  phức tạp hơn về phạm vi điều chỉnh, đối tượng và thời điểm áp dụng.

Dưới đây là những điểm chính liên quan tới đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN).

I.  Luật SHTT hiện hành

Nội dung các Khoản 2 và 3 Điều 220.Quy định chuyển tiếp, có thể tóm tắt như sau:

- Đơn SHCN được nộp trước thời điểm Luật này có hiệu lực thì xử lý theo văn bản có hiệu lực vào thời điểm nộp đơn;

- Việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo VBBH được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực và các thủ tục duy trì, gia hạn, chuyển giao, chuyển nhượng, giải quyết tranh chấp.. liên quan tới VBBH đó thì áp dụng quy định của Luật này, trừ căn cứ hủy bỏ hiệu lực VBBH  thì áp dụng quy định pháp luật có hiệu lực đối với việc xét cấp văn bằng bảo hộ đó.

II.  Luật SHTT Sửa đổi 2022

Các quy định chuyển tiếp được nêu tại Điều 4, gồm các Khoản từ 4.1 đến 4.8, trong đó Khoản 4.3 gồm các Điểm 4.3.a), b), c) và d). Nội dung tóm tắt như sau:

- Điều 4.3:   Đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp (KDCN), nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã nộp trước ngày Luật này có hiệu lực (ngày 01/01/2023) được tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật có hiệu lực tại thời điểm nộp đơn, trừ các trường hợp tại các điểm dưới đây:

- Điều 4.3.a)  Đơn đăng ký KDCN được nộp từ ngày 01/8/2020 nhưng chưa có quyết định cấp hoặc từ chối cấp VBBH trước ngày Luật này có hiệu lực (ngày 01/01/2023)  thì  áp dụng quy định tại Điều 4.13 của Luật SHTT hiện hành, được sửa đổi, bổ sung theo Điều 1.1.b)  của Luật SHTT sửa đổi 2022 có nội dung như sau :

13. Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp.”;

- Điều 4.3.b)  Các đơn SHCN nộp trước ngày Luật SHTT sửa đổi 2022 có hiệu lực (ngày 01/01/2023) nhưng chưa có quyết định cấp, hoặc từ chối cấp VBBH thì áp dụng quy định của Luật SHTT sửa đổi 2022, cụ thể như sau:

(i) Đơn đăng ký Nhãn hiệu: Áp dụng các quy định tại Điều 74.2.e) và h), theo đó nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau:

- e) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân khác được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, trừ trường hợp đăng ký nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 hoặc bị hủy bỏ hiệu lực theo quy định tại Điều 96 theo thủ tục quy định tại điểm b khoản 3 Điều 117 của Luật này;”;

- h) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân khác đã được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá ba năm, trừ trường hợp đăng ký nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 theo thủ tục quy định tại điểm b khoản 3 Điều 117 của Luật này;

(ii) Đơn Chỉ dẫn địa lý (CDĐL): Áp dụng quy định tại Điều 106.1.e), theo đó tài liệu, mẫu vật, thông tin xác định CDĐL cần bảo hộ trong đơn đăng ký gồm:

- e) Đối với chỉ dẫn địa lý đồng âm, [là] tài liệu thuyết minh về điều kiện sử dụng và cách thức trình bày chỉ dẫn địa lý để bảo đảm khả năng phân biệt giữa các chỉ dẫn địa lý.”.

(iii) Về thủ tục từ chối cấp VBBH: Áp dụng Điều 117.3 như sau:

 - 3. Đơn đăng ký SHCH  thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 1a và 2 Điều này (đơn không đáp ứng yêu cầu bảo hộ, người nộp đơn không có quyền đăng ký, v.v...)  thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền SHCN thực hiện các thủ tục sau đây:

a) Thông báo kết quả thẩm định nội dung, trong đó nêu rõ dự định từ chối cấp VBBH, lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn có ý kiến phản đối dự định từ chối;

b) Tạm dừng quy trình thẩm định đơn trong trường hợp người nộp đơn nộp đề nghị tạm dừng thẩm định đơn và yêu cầu chấm dứt hiệu lực hoặc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo trường hợp loại trừ được quy định tại điểm e và điểm h khoản 2 Điều 74 của Luật này. Căn cứ kết quả giải quyết yêu cầu chấm dứt hiệu lực hoặc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, cơ quan quản lý nhà nước về quyền SHCN tiếp tục quy trình thẩm định đơn;

c) Tạm dừng quy trình thẩm định đơn trong trường hợp nhận được bản sao thông báo thụ lý vụ án của Tòa án có thẩm quyền về việc người thứ ba khởi kiện liên quan đến quyền đăng ký đối tượng SHCN  hoặc nhãn hiệu được đăng ký với dụng ý xấu. Căn cứ kết quả giải quyết của Tòa án, cơ quan quản lý nhà nước về quyền SHCN tiếp tục quy trình thẩm định đơn;

- Điều 4.3.d) về cấp văn bằng bảo hộ, đăng bạ: Các đơn đăng ký SHCN chưa có thông báo kết quả thẩm định nội dung trước ngày Luật SHTT sửa đổi 2022 có hiệu lực (ngày 01/01/2023) thì áp dụng Điều 118, cụ thể như sau:

1. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp không thuộc trường hợp từ chối cấp VBBH quy định tại các khoản 1, 1a 2, điểm d khoản 3 Điều 117 của Luật này hoặc người nộp đơn có ý kiến xác đáng phản đối về dự định từ chối quy định tại điểm a khoản 3 Điều 117 của Luật này thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các công việc sau đây:

a) Thông báo kết quả thẩm định nội dung, trong đó nêu rõ dự định cấp văn bằng bảo hộ đối với toàn bộ hoặc phần đáp ứng điều kiện bảo hộ và ấn định thời hạn để người nộp đơn nộp phí, lệ phí hoặc có ý kiến phản đối về kết quả thẩm định nội dung;

b) Quyết định cấp văn bằng bảo hộ và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp nếu người nộp đơn nộp phí, lệ phí.

2. Trong trường hợp có ý kiến phản đối về kết quả thẩm định nội dung, đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tương ứng được thẩm định lại về những vấn đề bị phản đối.”.

Có thể nhận thấy rằng điều khoản chuyển tiếp của Luật SHTT sửa đổi 2022 là khá phức tạp và có thời điểm áp dụng khác nhau cho từng đối tượng./.

 

[1] Luật số 42/2019/QH14 – Luật sủa đổi bổ sung một số điều của Luật SHTT số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12, có hiệu lực từ ngày 14/11/2019.

[2] Luật số 07/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12 và Luật số 42/2019/QH14, có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.

Các bài viết khác