Logo

Nhìn lại quá trình bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam

22/10/2021
Bài viết này điểm lại quá trình hình thành các quy định pháp luật liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam...  

Bài viết này điểm lại quá trình hình thành quy định  pháp luật đầu tiên cũng như thực tiễn xử lý các vụ việc liên quan đến  nhãn hiệu nổi tiếng, đồng thời nhận xét về các  nôi dung sửa đổi các quy định liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng trong Luật SHTT. 

1.     Nghị định 197/HĐBT (1982-1989)

Văn bản pháp lý đầu tiên của CHXHCN Việt Nam (“Việt Nam”) bắt đầu bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa (NHHH) là Nghị định 197/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng[1](nay là Chính phủ), gọi tắt là Nghị định 197/HĐBT.  Khi đó, nhãn hiệu chưa được coi là tài sản và chưa được bảo hộ bằng các biện pháp tư pháp, do vậy các quy định về nhãn hiệu hàng hóa chủ yếu để phục vụ hoạt động xác lập quyền do các Cơ quan hành chính thực hiện.Trong Điều lệ về Nhãn hiệu hàng hóa cũng chưa có quy định về nhãn hiệu nổi tiếng .

Tuy nhiên Việt Nam đã là thành viên của Công ước Paris về bảo hộ sở hũu công nghiệp (từ năm 1949) và Điều 6 bis của Công ước này quy  định như sau:

 (1) Các quốc gia thành viên của Công ước cam kết, một cách mặc nhiên nếu luật pháp của họ cho phép, hoặc theo yêu cầu của bên có liên quan, có trách nhiệm từ chối hoặc hủy bỏ việc đăng ký và cấm sử dụng, một nhãn hiệu mà nhãn hiệu đó là một bản sao chép, bắt chước, biên dịch và có khả năng gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu đã được cơ quan có thẩm quyền của nước  đăng ký hoặc nước sử dụng coi là nổi tiếng ở nước đó của người được Công ước cho hưởng lợi thế sử dụng đối với hàng hóa giống hệt hoặc tương tự. Những quy định này cũng được áp dụng trong trường hợp thành phần chủ yếu của nhãn hiệu là sự sao chép của bất kỳ nhãn hiệu nổi tiếng nào hoặc là sự bắt chước có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đó.

Điều 1.4 của Nghị định 197/HĐBT cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng Điều 6 bis của Công ước nói trên, quy định “...Cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài được hưởng các quyền lợi do điều lệ này quy định trên nguyên tắc có đi có lại theo đúng luật pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các hiệp ước quốc tế về sở hữu công nghiệp mà Việt Nam tham gia.”

Hơn nữa, Khoản 2 Điều 7 của Nghị định 197/HĐBT xác định quyền ưu tiên khi có tranh chấp về nhãn hiệu như sau:“Trường hợp có tranh chấp về quyền ưu tiên thì nhãn hiệu hàng hoá được chấp nhận cho người chứng minh được rằng nhãn hiệu hàng hoá đã được người đó sử dụng trước một cách rộng rãi trên thị trường". Quy định này rất lợi cho việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng khi có tranh chấp với một nhãn hiệu thông thường vì hầu như mọi nhãn hiệu nổi tiếng đều đáp ứng tiêu chuẩn “sử dụng trước một cách rộng rãi trên thị trường” Nghị định 197/HĐBT cũng không giới hạn phạm vi thị trường ở Việt Nam hay nước ngoài.

 Vận dụng các điều khoản nêu trên trên, các nhãn hiệu nổi tiếng đã rất thuận lợi trong việc xác lập quyền. Một số Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá bị coi là tương tự  gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng “GUCCI & CUGGI”, “CAMEL & Hình lạc đà” đã bị hủy bỏ.

Điều 6bis của Công ước Paris quy định nhãn hiệu nổi tiếng mặc nhiên được bảo hộ mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Tuy vậy, không ít chủ nhãn hiệu nổi tiếng vẫn có nhu cầu nộp đơn để nhãn hiệu của họ được cấp Văn bằng bảo hộ như một nhãn hiệu thông thường. Khi đó, nếu nhãn hiệu/dấu hiệu bị từ chối với lý do không đáp ứng một tiêu chuẩn nào đó thì chủ nhãn hiệu thường viện dẫn đến sự nổi tiếng đã có của nhãn hiệu.

Chúng ta bắt gặp không ít nhãn hiệu/dấu hiệu đơn giản, mang tính mô tả..., nếu xét theo tiêu chí nhãn hiệu thông thường chắc chắn sẽ bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ, nhưng do người nộp đơn chứng minh được nhãn hiệu/dấu hiệu đó đã được sử dụng rộng rãi cho sản phẩm liên quan, được người tiêu dùng nhận biết, tin tưởng, nên đã được bảo hộ, ví dụ như là  “National” (GCNĐKNHHH số 103 cấp ngày 10.9.1985), “BBC” (GCNĐKNHHH số 32408 (cấp ngày 26/10/1999)….

1. Pháp lệnh bảo hộ SHCN (1989-1995)

Pháp lệnh Bảo hộ SHCN[2] (có hiệu lực năm 1989) và văn bản hướng dẫn thi hành là Nghị định số 84/HĐBT[3] không có quy định về nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên do quy định về quyền ưu tiên vẫn được áp dụng  trên cơ sở Nghị định 197/HĐBT  nên việc bảo hộ nhãn hiệu nói chung và nhãn hiệu nổi tiếng nói riêng không có xáo trộn lớn.

Vào những năm đầu 1990 các tranh chấp liên quan đến sao chép nhãn  hiệu nổi tiếng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp, đòi hỏi phải có các quy định để bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng, chống lại hành vi không trung thực khi đơn đăng ký nhãn hiệu. Xuất phát từ thực tế đó, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ)  đã ban hành Thông tư số 437/SC, ngày 19/03/1993,  hướng dẫn bổ sung về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, theo đó nhãn hiệu nổi tiếng được quy định tại Điểm 6.1.b như sau :

... Căn cứ để một nhãn hiệu phải được coi là nổi tiếng có thể là: lượng người tiêu dùng đã biết đến nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo; phạm vi lãnh thổ mà sản phẩm (dịch vụ) mang nhãn hiệu đã được lưu hành; doanh số từ việc bán sản phẩm mang nhãn hiệu hoặc số lượng sản phẩm đã được bán ra; thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu; uy tín rộng rãi của sản phẩm (dịch vụ) mang nhãn hiệu; số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu v.v…

Như vậy khái niệm nhãn hiệu nổi tiếng được thể hiện trong quy định pháp luật của Việt Nam còn sớm hơn Khuyến nghị của WIPO ban hành năm 1999[4]về bảo hộ nhãn hiệu nôi tiếng.

Quy định nêu trên cùng với quy định về hành vi không trung thực được thể hiện tại Điểm 3 Thông tư 437/SC  đã tạo ra công cụ pháp lý có hiệu quả giải quyết một số tranh chấp phức tạp về nhãn hiệu vào thời điểm đó. Sau đây là một số ví dụ:

*  Tranh chấp nhãn hiệu “ông thọ” giữa Công ty FFD (Hà lan) và Công ty Sữa Việt Nam (VINAMILK)

Năm 1993 Cục Sở hũu công nghiệp (nay là Cục SHTT) đã từ chối đơn quốc tế số 594508   “LONGEVITY BRAND & ông thọ & Hình ông già" đăng ký bảo hộ các sản phẩm thuộc nhóm 29,30,32  (bao gồm sản phẩm sữa và các sản phẩm thực phẩm khác) với lý do tương tự với nhãn hiệu “ông thọ” đã được Công ty Sữa Việt Nam sử dụng rộng rãi tại Việt Nam từ trước năm 1975 bởi Công ty COSUVINA. Sau 1975 nhãn hiệu được Công ty Sữa Việt Nam, tổ chức được Nhà nước giao cho quản lý các tài sản của COSUVINA, kế thừa và sử dụng cho các sản phẩm sữa đặc do Công ty sản xuất. Nhãn hiệu "ông thọ" đã được người tiêu dùng Việt nam biết rộng rãi và tin cậy về chất lượng sản phẩm.

Vào thời điểm đơn quốc tế số 594508 bị từ chối nhãn hiệu “ông thọ” vẫn chưa được bảo hộ cho Công ty Sữa Việt Nam. Một năm sau, ngày 13/06/1994 Công ty này mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá số 12169 " sữa ông thọ  & Hình ".  Tranh chấp liên quan đến nhãn hiệu này giữa đơn quốc tế số 594508 của Công ty FFD (Hà lan) và Công ty Sữa Việt Nam được giải quyết dựa trên quy định về nhãn hiệu nổi tiếng tại Thông tư số 437/SC.

Điều đó cho thấy, Điều 6 bis của Công ước Paris đã được cơ quan Sở hữu công nghiệp Việt Nam áp dụng tương đối triệt để. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, quy định của Việt Nam về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng chỉ giới hạn trong trường hợp nhầm lẫn trong việc sử dụng nhãn hiệu của người thứ ba và việc bảo hộ này cũng chỉ giới hạn trong việc cấp và huỷ bỏ giấy chứng nhận dăng ký nhãn hiệu hàng hoá do Cơ quan quản lý về sở hữu công nghiệp thực hiện. Việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng chống lại hành vi xâm phạm của người thứ ba vẫn  chưa thể thực hiện được.

* Trường hợp sử dụng nhãn hiệu “VOLVO” của Công ty TungShing, (Hongkong).

Công ty AB VOLVO  của Thuỵ Điển sử dụng nhãn hiệu “VOLVO”, đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá số 2427 ngày 23/01/1991,  cho các phương tiện giao thông, ôtô thuộc Nhóm 12. “VOLVO”, được nhiều người biết đến, được coi là nhãn hiệu nổi tiếng.

Công ty TungShing  sử dụng nhãn hiệu “VOLVO” làm tên gọi của một cho một câu lạc bộ ban đêm (night club) trong Khách sạn Hà Nội (Giảng Võ).  AB VOLVO, tuy cho rằng nhãn hiệu của họ là nổi tiếng với các loại ô tô du lịch và  thừa nhận việc sử dụng dấu hiệu “VOLVO” cho vũ trường không tạo ra bất cứ một sự liên tưởng nào về mối quan hệ giữa chủ vũ trường và AB VOLVO bởi vì các sản phẩm và dịch vụ mà các nhãn hiệu trên áp dụng là hoàn toàn khác biệt nhau, nhưng vẫn e ngại rằng chính vì các đặc điểm hoàn toàn trái ngược của hoạt động vũ trường có thể làm tổn hại, lu mờ đến danh tiếng mà nhãn hiệu “VOLVO” đã có được là chắc chắn, an toàn và bền vững.  Cuối cùng sự việc đã được giải quyết bằng cách AB VOLVO nộp đơn để được được cấp GCNĐKNHH “VOLVO” sô 9321 ngày 09/10/1993 cho dịch vụ khách sạn thuộc Nhóm 42 và dựa vào đó đề nghị xử lý hành vi xâm phạm và  TungShing đã chấm dứt việc sử dụng dấu hiệu “VOLVO”.

Trong vụ này, tuy đồng ý với lập luận của chủ nhãn hiệu rằng uy tín của họ đã bị ảnh hưởng bởi việc TungShing sử dụng dấu hiệu “VOLVO” cho một night club nhưng Cục Sở hữu công nghiệp cũng không thể đưa ra kết luận rằng Tung Shing đã thực hiện hành vi xâm phạm (giả mạo, lừa dối - “passing off”) nhãn hiệu vì sản phẩm và dịch vụ của hai bên là khác nhau.  Bởi vậy, AB VOLVO đã  đăng ký nhanh nhãn hiệu “VOLVO” cho dịch vụ thuộc Nhóm 41 để có cơ sở pháp lý xử lý hnhf vi vi phạm nhãn hiệu của TungShìng. 

2.     Bộ Luật Dân sự và Nghị định 63/CP (1996-2006)

Năm 1995 Bộ Luật Dân sự được ban hành  thay thế Pháp lệnh bảo hộ quyền SHCN và được cụ thể hóa bởi Nghị định 63/CP[5] (được bổ sung bởi  Nghị định 06 /NĐ-CP[6] của Chính phủ) đã đề cập chi tiết  hơn  về  nhãn hiệu nổi tiếng ở ba khía cạnh:  khái niệm, bảo hộ trong quá trình xác lập quyền và đặc biệt là hành vi xâm phạm quyền, cụ thể như sau:

Nghị định 06/NĐ-CP, Điều1. 2. Điều 2 Nghị định 63/CP được bổ sung khoản 8B như sau:

“ Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được sử dụng liên tục cho hàng hoá, dịch vụ có uy tín khiến cho nhãn hiệu đó được biết đến rộng rãi”

Nghị định 63/CP, Điều 6,, Khoản 1.e quy định như sau:

“Nhãn hiệu được coi là khả năng phân biệt nếu bị coi là không trùng hoặc không tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá của người khác được coi là nổi tiếng (theo Điều 6bis Công ước Pari) hoặc với nhãn hiệu hàng hoá của người khác đã được sử dụng và đã được thừa nhận một cách rộng rãi”;

Nghị định 06/NĐ-CP. Điều 1. 24. Điều 53 Khoản 1.c.  Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp quy định như sau: 

“ Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng, hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu đó cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không cùng loại, không tương tự với và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ có uy tín mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng như vậy có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu với chủ thể có nhãn hiệu hàng hoá được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng."

So với trước, lúc này đã xuất hiện quy định về xác định hành vi xâm phạm quyền, nhưng vẫn chưa có điều khoản về tiêu chí xác định nhãn hiệu nổi tiếng.

Cũng dễ nhận ra rằng, khi đề cập đến khả năng bảo hộ của một nhãn hiệu,  Điều 6.1.e (Nghị định 06/CP) chỉ xác định nhãn hiệu đó có “...không trùng hoặc không tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá của người khác được coi là nổi tiếng” thì Điều 53.1.C (Nghị định 06/NĐ-CP) mở rộng phạm vi hơn, bao bao gồm cả “...cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không cùng loại, không tương tự với và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ có uy tín mang nhãn hiệu nổi tiếng..”, nếu việc sử dụng như vậy có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá  hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu với chủ thể có nhãn hiệu hàng hoá được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng.

Việt Nam đã tham chiếu Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hũu trí tuệ (Hiệp định TRIP’S)  của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), để xây dựng Điều 53.1.C,  mặc dù khi đó (năm 2001) vẫn chưa phải là thành viên của WTO. Hiệp định TRIP’S đề cập đến việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng tại Điều 16, như sau :

16(3): Điều 6bis của Công ước Paris cũng phải được áp dụng cho hàng hoá, dịch vụ khác với hàng hoá, dịch vụ của nhãn hiệu được đăng ký nếu vịêc sử dụng nhãn hiệu đó cho các hàng hoá và dịch vụ nêu trên tạo ra sự liên quan với hàng hóa, dịch của chủ nhãn hiệu đã đăng ký và nếu như quyền lợi của chủ nhãn hiệu được đăng ký bị thiệt hại do sự sử dụng đó”.

Nếu áp dụng Điều 16.3. của Hiệp định TRIP’S thì việc sử dụng nhãn hiệu “VOLVO” cho câu lạc bộ ban đêm có thể bị coi là xâm phạm quyền của chủ nhãn hiệu nổi tiếng “VOLVO”.

* Vụ việc: Bảo hộ đồng thời nhãn hiệu "BUDWEISER"  bia cho các chủ thể khác nhau

(i) Lập luận các bên

Công ty ANHEUSER BUSCH (Hoa Kỳ) nộp các đơn đăng ký nhãn hiệu số 1392 và 2153 "BUDWEISER" cho sản phẩm bia và bị từ chối với lý do tương tự với nhãn hiệu "BUDWEISER" của Công ty BUDEJOVIC BUDVAR (CH Sec). Sau đó ANHEUSER BUSCH đề nghị huỷ bỏ hiệu lực các Đăng ký quốc tế nhãn hiệu"BUDWEISER"  của BUDEJOVIC BUDVAR với lý do các Đăng ký quốc tế này tương tự với các nhãn hiệu "BUDWEISER"  là nhãn hiệu nổi tiếng của họ.

BUDEJOVIC BUDVAR  đã phản bác như sau: "BUDWEISER"  phải được coi là nổi tiêng dưới tên Công ty BUDEJOVIC BUDVAR vì: "BUDWEIS" theo tiếng Đức dùng để chỉ vùng BUDEJOVICE là nơi có tryền thống sản xuất bia từ thế kỷ 13 , bia mang nhãn hiệu "BUDWEISER" cũng được tiêu thụ và bảo hộ tại hàng chục nước v.v..

(ii) Giải quyết của Cục Sở hữu công nghiệp

Sau khi xem xét chứng cứ, lập luận của các bên, Cục Sở hữu công nghiệp đã quyết định:

 Cấp các GCNĐKNHHH số 37578 và 37579 (ngày 20.6.2001) bảo hộ  nhãn hiệu "BUDWEISER" cho Công ty ANHEUSER BUSCH trong khi vẫn duy trì hiệu lực các nhãn hiệu "BUDWEISER BUDBRAU & Hình" - ĐKQT số 614537 và "BUDWEISER BUDVA & Hình" - Đăng ký quốc tế số 614536.

Cơ sở của quyết định này là:

- Đối với Công ty ANHEUSER BUSCH: nhãn hiệu "BUDWEISER" đã được bắt đầu sử dụng và đăng ký nhãn hiệu tại Hoa Kỳ từ thế kỷ trước và sử dụng rất rộng rãi (riêng doanh số quảng cáo là hàng tỷ US D) và đăng ký tại rất nhiều nước;

- Đối với Công ty BUDEJOVIC BUDVAR: nhãn hiệu "BUDWEISER" cũng đang được bảo hộ tại các nước  CHLB Đức, Pháp, Italia, Thuỵ Sỹ, Nga...Tại Việt Nam nhãn hiệu này cũng được bảo hộ cho Công ty này từ hàng chục năm nay (từ thời Việt Nam cộng hòa ở miền Nam - Đăng ký quốc tế số R238203 và R342158, BUDWEISER ("BUDVAR") .

Như vậy, các bên đều sử dụng lâu dài và gây dựng được uy tín riêng của mình tại các thị trường khác nhau đối với nhãn hiệu "BUDWEISER" .

- Các nhãn hiệu được bảo hộ cho Công ty BUDEJOVIC BUDVAR không chỉ bao gồm dấu hiệu "BUDWEISER" mà còn bao gồm các thành phần chữ và hình khác ("BUDWEISER BUDBRAU & Hình" - ĐKQT số 614537 và "BUDWEISER BUDVA & Hình" - Đăng ký quốc tế số 614536) .

- Tại Việt Nam nhãn hiệu "BUDWEISER" mới được đưa ra thị trường. So với các nhãn hiệu bia khác, phạm vi ảnh hưởng của nhãn hiệu này còn rất hạn chế. Chủ thể nào sử dụng nhãn hiệu "BUDWEISER" rộng rãi, gây được uy tín thì sẽ được người tiêu dùng chấp nhận theo yêu cầu riêng của họ.

Quyết định này là chính xác trên thực tế kinh doanh: Hiện nay hai nhãn hiệu này cùng tồn tại g trên thị trường. Công ty ANHEUSER BUSCH có nhà máy sản xuất bia và Công ty BUDEJOVIC  BUDVAR xuất khẩu bia sang Việt Nam.

Tương tự như Việt Nam, năm 2011 Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu (CJEU) cũng cho phép nhãn hiệu "BUDWEISER"  của hai chủ thể trên cùng kinh doanh tại Anh quốc[7] (2).

4.         Các quy định  về nhãn hiệu nổi tiếng tại Luật SHTT .

4.1       Luật sở hũu trí tuệ 2005

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định về nhãn hiệu nổi tiếng ở tất cả các khía canh đã từng đề cập trước đây, đó là: Điều 4.20. Giải thích từ ngữ; Điều 74.2.i. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt [với nhãn hiệu nổi tiếng]; Điều 75. Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng; và Điều 129.1.d. Hành vi xâm phạm quyền[đối với nhãn hiệu nổi tiếng]

Đặc biệt là nội dung tại Điều 74.2.i và Điều 129.1.d đã đồng nhất, khắc phục được sự chênh lệch đã tồn tại từ thời kỳ Nghị định 63/CP, tuy nhiên nội dung tại Điều 129.1.d của Luật SHTT mới chỉ quy định

d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Quy định chưa đề cập đến trường hợp “nếu như quyền lợi của chủ nhãn hiệu được đăng ký bị thiệt hại do sự sử dụng đó” của Điều 16.3 của Hiệp định TRIP’S. Với quy định này, vẫn chưa xử lý được trường hợp xâm phạm nhãn hiệu VOLVO đã  nêu trên.

4.2  Các quy định về nhãn hiệu nổi tiếng trong Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật SHTT .

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật SHTT cũng đề cập đến việc sửa đổi một số nôi dung liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng tại Luật SHTT  (xem bài “Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ và một số sửa đổi liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp” ngày 13.9.2011) , nhưng ở mức độ chi tiết, không có các quy định mới mang tính đột phá  (ngoài quy định Điều 129.1.d vẫn được giữ nguyên)  các Điều khác được sửa đổi như sau :

1. Sửa đổi nôi dung khoản 20 Điều 4 : Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam.”.Thay thế nội dung tương ứng của Luật SHTT là : “ Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”

Nhận xét: Việc sử dụng cụm từ “bộ phận công chúng có liên quan” là để thống nhất với khái niệm về nhãn hiệu nổi tiếng  được quy định tại Điều  16.2 Hiệp định TRIP’S, tại Điều này cũng sử dụng cụm từ vừa nêu .

2 Bổ sung nội dung điểm i khoản 2, Điều 74: Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác trước ngày nộp đơn đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng”.Thay thế cho nội dung tương ứng của Luật SHTT là :

Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng;

Nhận xét : Việc bổ sung cụm từ “trước ngày nộp đơn đăng ký”  là để  làm rõ điều kiện sử dụng nhãn hiệu nổi tiếng làm đối chứng khi thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu.Từ trước đến nay, trong quá trình thẩm định nhãn hiệu điều kiện này vẫn được tôn trọng theo nguyên tắc  nhãn hiệu phải đáp ứng điều kiện bảo hộ tại thời điểm nộp đơn.Bằng quy định này Ban Soạn thảo muốn quy định rõ và cá thể hóa  thời điểm sử dụng nhãn hiệu  nổi tiếng làm đối chứng.

3. Sửa đổi câu đầu tiên của Điều 75:“Tùy từng trường hợp mà một số hoặc tất cả các tiêu chí sau đây có thể được xem xét khi đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng:” thay thế cho nội dung tương ứng của Luật SHTT:Các tiêu chí sau đây được xem xét khi đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng:

Nhận xét : Điều 75 Luật SHTT đưa  ra các tiêu chí để đánh giá nhãn nhãn hiệu là nối tiếng, đây là các tiêu chí xây dựng theo Khuyến nghị của WIPO (1), chỉ có tính chất định hướng , nên  không bắt buộc một nhãn hiệu phải đáp  ứng tất cả các tiêu chí đó mới được công nhận nổi tiếng.Ban Soạn thảo thực hiện việc sửa đổi cũng nhằm thực hiện định hướng này.Tuy nhiên cụm từ “Tùy từng trường hợp” có  lẽ không hợp lý vì tạo ra ấn tượng về sự không rõ ràng trong hoạt động của Cơ quan có thẩm quyền xét nhãn hiệu nổi tiếng./.

[1] Nghị định 197/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng  (nay là Chính phủ) ngày 14/12/1982 ban hành Điều lệ về Nhãn hiệu hàng hóa (gọi tắt, Nghị định 197/HĐBT)

[2] Pháp lệnh Bảo hộ Sở hữu công nghiệp số 13-LCT/HĐNN8, ngày 28/01/1989.

[3] Nghị định 84-HĐBT ngày 20/03/1990 sửa đổi Điều lệ về sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và sáng chế; Điều lệ về nhãn hiệu hàng hóa, Điều lệ kiểu dáng công nghiệp; Điều lệ về giải pháp hữu ích nhằm thi hành Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

[4]  Joint Recommendation Concerning Provisions on the Protection of Well-Known Marks 
https://www.wipo.int/edocs/pubdocs/en/marks/833/pub833.pdf

[5] Nghị định số 63-CP ngày 24/10/1996 quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp

[6] Nghị định 06/2001/NĐ-CP ngày 01/02/2001 sửa đổi Nghị định 63/CP quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp 

Các bài viết khác