Logo

Nộp đơn không trung thực và áp dụng luật trong vụ KINGMAX

02/11/2020

Nội dung đề cập: Hủy bỏ văn bằng bảo hộ được cấp do sự không trung thực của người nộp đơn; Hàng nhập khẩu từ nhà sản xuất bị xử lý vì xâm phạm quyền nhãn hiệu do đại lý làm chủ; Áp dụng Điều 6 Septies của Công ước Paris;  Điều 14.2.c Nghị định 63/CP; Điều 87.2 và Điều 220.3 Luật Sở hữu trí tuệ.

1. Tóm tắt việc xử lý xâm phạm nhãn hiệu “KINGMAX"

           Cuối năm 2006 Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Chí Đức (gọi tắt là Công ty Chí Đức) nhập khẩu từ HongKong vào Việt Nam lô hàng bộ nhớ RAM mang nhãn hiệu “KINGMAX", do Công ty Kingmax Semiconductor Inc.Đài Loan - Trung Quốc (gọi tắt là Công ty Kingmax) sản xuất để bán trên thị trường.

           Công ty TNHH phát triển kỹ thuật ứng dụng Viễn Sơn (gọi tắt là Công ty Viễn Sơn) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá  (GCNĐKNHHH) số 77256 ngày 24/11/2006 bảo hộ nhãn hiệu “KINGMAX” cho sản phẩm bộ nhớ máy vi tính và máy vi tính thuộc Nhóm 09 đã  đề nghị Chi cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh tạm dừng thủ tục thông quan đối với lô hàng nhập khẩu của Công ty Chí Đức với lý do đó là hàng giả mạo nhãn hiệu “KINGMAX” của Công ty Viễn Sơn.

Ngày 26/6/2007 Công ty Chí Đức đã bị UBND thành phố Hồ Chí Minh xử phạt vi phạm hành chính do nhập khẩu và bán hàng mang nhãn hiệu “KINGMAX”, hành vi đó xâm phạm quyền nhãn hiệu của Công ty Viễn Sơn.

2.         Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận dề nghị hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNHHH “KINGMAX”

2.1       Sau khi bị xử lí vi phạm ngày 01/6/2007 Công ty Chí Đức đã nộp đơn đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNHHH số 77256 “KINGMAX” cấp cho Công ty Viễn Sơn với lý do:

(i)         Công ty Viễn Sơn không có quyền nộp đơn theo Điểm a, Khoản 2, Điều 14[1] Nghị định Chính phủ số 63/CP ngày 24/10/1996 quy định chi tiết về Sở hữu công nghiệp(gọi tắt là Nghị định số 63/CP, vì tại thời điểm nộp đơn (ngày 12/10/2005), theo Giấy phép Đăng ký kinh doanh thì công ty Viễn Sơn không có chức năng sản xuất sản phẩm “máy vi tính, bộ nhớ máy vi tính”;

(ii)        Công ty Viễn Sơn đã có hành vi không trung thực khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu theo Điểm c, Khoản 2, Điều 14[2] Nghị định số 63/CP, vì sản phẩm “máy vi tính, bộ nhớ máy vi tính” mang nhãn hiệu “KINGMAX” do Công ty Kingmax sản xuất được nhiều Công ty của Việt Nam nhập khẩu từ trước khi Công ty Viễn Sơn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. Lẽ ra,  để được chấp nhận đăng ký nhãn hiệu “KINGMAX” thì Công ty Viễn Sơn phải có xác nhận của nhà sản xuất [Công ty Kingmax] rằng họ không sử dụng nhãn hiệu “KINGMAX” và không phản đối việc Công ty Viễn Sơn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu này. Tuy nhiên hồ sơ đơn đăng ký nhãn hiệu của Công ty Viễn Sơn không có tài liệu đó.

2.2.      Công ty Viễn Sơn phản bác đề nghị hủy bỏ hiệu lực GCN ĐKNHHH số 77256 bảo hộ nhãn hiệu “KINGMAX” bằng việc đưa ra các  văn bản và lập luận như sau:

(i)         Văn bản của Công ty Kingmax ngày 27/7/2007 thể hiện Công ty Viễn Sơn là nhà phân phối độc quyền sản phẩm mang nhãn hiệu “KINGMAX”   của Công ty Kingmax tại Việt Nam và Công ty Viễn Sơn đã yêu cầu cơ quan chức năng thực hiện biện pháp xử lý đối tượng thực hiện hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu trên cơ sở GCN ĐKNHHH số 77256 bảo hộ nhãn hiệu “KINGMAX”; Công ty Viễn Sơn đang chuẩn bị tài liệu để chuyển giao quyền sở hữu   GCN ĐKNHHH số 77256 “KINGMAX” cho  Công ty Kingmax. Vì vậy, đề  nghị không huỷ bỏ hiệu lực GCNĐKNHHH số 77256;

(ii)        Văn bản của Công ty Kingmax ngày 30/8/2007 thể hiện Công ty Kingmax là nhà sản xuất các sản phẩm máy tính mang nhãn hiệu “KINGMAX” trên toàn thế giới. Tại thời điểm năm 2005, Công ty không sử dụng nhãn hiệu này tại Việt Nam.Ngày 10/8/2005, Công ty Kingmax đã đồng ý chuyển giao quyền nộp đơn cho Công ty Viễn Sơn và  cho phép Công ty này đăng ký nhãn hiệu “KINGMAX” tại Việt Nam để được bảo hô theo GCN ĐKNHHH số 77256

(iii) Như vây,Công ty Viễn Sơn có quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “KINGMAX” theo Điều 6 septies Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp[3]; do vậy, việc giữ nguyên hiệu lực GCN ĐKNHHH số 77256 và ghi nhận việc chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hoá từ Công ty Viễn Sơn cho Công ty Kingmax là hoàn toàn phù hợp;

2.3       Ý kiến của Cục Sở hữu trí tuệ           

2.3.1    Cục SHTT không chấp nhận lập luận của Công ty Viễn Sơn, cho rằng::

(i)         Không thể áp dụng Điều 6 septies của Công ước Paris đối với quan hệ giữa Công ty Viễn Sơn và Công ty Kingmax, cụ thể là:

Tại thời điểm năm 2005 Công ty Viễn Sơn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Đài Loan không phải là thành viên của Công ước Paris nên không thể áp dụng quy định của Công ước (Điều 6 septies) đối với các chủ thể thuộc Đài Loan, đồng thời Việt Nam cũng chưa là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)[4] nên không thể áp dụng các nội dung của Công ước Paris  được thực hiện trong khuôn khổ của WTO đối với Công ty Kingmax (doanh nghiệp Đài Loan) để xem xét đơn đăng ký nhãn hiệu “KINGMAX”.

(ii)        Về quyền nộp đơn của Công ty Viễn Sơn đối với nhãn hiệu theo GCN ĐKNHHH số 77256 “KINGMAX”:

Các văn bản của Công ty Kingmax là không phù hợp để xác nhận quyền nộp đơn của Công ty Viễn Sơn vì được lập sau này,  trong quá trình đề nghị hủy bỏ hiệu lực đang được xem xét  , tức là sau khi quá trình xem xét đơn 4-2005-13488 để cấp GCN ĐKNHHH 77256 đã kết thúc, ngoài ra về nội dung cũng nhiều điểm không phù hợp.

2.3.2    Chấp nhận đề nghị của Công ty Chí Đức

Ngày 29/10/2007 Cục SHTT đã ra Quyết định số 1352/QĐ-SHTT về việc hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNHH số 77256, sau đó dù Công ty Viễn Sơn có khiếu nại nhưng Cục Sở hữu trí tuệ vẫn giữ nguyên Quyết định số 1352/QĐ-SHTT.

3.      Công ty Viễn Sơn khởi kiện và Quyết định của Tòa phúc thẩm - Tòa án Nhân dân tối cao tại TP Hồ Chí Minh.

Công ty Viễn Sơn đã khởi kiện Quyết định số 1352/QĐ-SHTT của Cục SHTT và vụ án được xét xử theo các cấp sơ thẩm và phúc thẩm.

Ngày 16/01/2009 Tòa phúc thẩm-Toà án nhân dân tối cao tại TP Hồ Chí Minh đã xét xử phúc thẩm vụ án “Khởi kiện quyết định hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNHHH”> Nội dung về quyền nộp đơn nhãn hiệu của Công ty Viễn Sơn được thể hiện tại Bản án số 05/2009/HC-PT, như sau:

3.1       Trình bày của đại diện Cục SHTT:

Điểm c, Khoản 2, Điều 14 Nghị định số 63/CP quy định như sau:

“Cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm do mình đưa ra thị trường nhưng do người sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu hàng hóa đó cho sản phẩm tương ứng và không phản đốí việc nộp đơn nói trên”

Như vây, trong trường hợp này, để được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa phải đáp ứng hai điều kiện (i) Người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu và (ii) không phản đối việc nộp đơn; cả hai điều kiện này Công ty Kingmax đều không thực hiện vào thời điểm Công ty Viễn Sơn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “KINGMAX”

Đơn nộp ngày 12/10/2005 của Công ty Viễn Sơn cũng không bao gồm các tài liệu liên quan đến việc chuyển nhượng nhãn hiệu  Công ty Kingmax Đài Loan; Công ty này cũng không thông báo về việc chuyển nhượng trong hồ sơ đơn (như đã thể hiện tại văn bản ngày ngày 30/8/2007 của Công ty Kingmax nêu tại phần 2.2), do vậy việc nộp đơn nhãn hiệu “KINGMAX” của Công ty Viễn Sơn không liên quan tới việc chuyển giao quyền nộp đơn (được nêu trong các văn bản  của Công ty Kingmax).

Cục SHTT chấp nhận đơn của Công ty Viễn Sơn nộp ngày 12/10/2005 là hợp lệ không có nghĩa là công nhận luôn tính hợp lệ (về đơn) của các tài liệu vềchuyển giao quyền nộp đơn (từ Công ty Kingmax cho Công ty Viễn Sơn)  nộp sau khi việc cấp GCNĐKNHHH số 77256 được thực hiện.

3.2       Đại diện Công ty  Chí Đức cho rằng: 

Ngày 26/6/2007 Công ty Chí Đức đã bị UBND thành phố Hồ Chí Minh xử phạt vi phạm hành chính do nhập khẩu và bán hàng có nhãn hiệu “KINGMAX” được bảo hộ theo GCNĐKNHHH số77256 cho Công ty Viễn Sơn,  kết luận rằng Công ty Chí Đức nhập hàng giả, mặc dù đây là sản phẩm của Công ty Kingmax nhưng Công ty Chí Đức không  mua trực tiếp từ Công ty. Sau đó Công ty Chí Đức đã nộp đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ và Cục SHTT đã ra Quyết định số 1352/QĐ-SHTT hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNHHH số77256 đã cấp cho Công ty Viễn Sơn. Tiếp theo UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã hủy bỏ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Chí Đức.  Công ty Chí Đức tham gia tố tụng không phải để tranh chấp nhãn hiệu với Công ty Viễn Sơn mà để bảo vệ quyết định nói trên của Cục SHTT.

3.3       Tại Bản án số 05/2009/HC-PT ngày 16/01/2009 về việc: “Khởi kiện quyết định hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNHHH”, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP Hồ Chí Minh đã áp dụng Khoản 2 Điều 87[5], Khoản 3 Điều 220[6] Luật Sở hữu trí tuệ giữ nguyên Quyết định 1352/QĐ-SHTT về việc hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNHHH số 77256 với nhận định như sau:

Công ty Viễn Sơn đã không đáp ứng các  điều kiện nêu trong Khoản 2 Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ, vì vậy không  có quyền đăng ký nhãn hiệu KINGMAX tại Việt Nam. Chứng thư ngày 30/8/2007 Công ty Kingmax cho thấy đến ngày 30/8/2007 Công ty KINGMAX vẫn còn sử dụng nhãn hiệu “KINGMAX” và Công ty KINGMAX cũng chưa chính thức chuyển giao quyền cho Công ty Viễn Sơn.

           Do vậy, việc Cục SHTT ra quyết định số1352/QĐ-SHTT hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNHHH số 77256 là đúng quy định của pháp luật.

4.         Bàn luận

4.1       Về bản chất  của vụ việc

Đây là vụ việc mà trong đó đại lý đã  đăng ký nhãn hiệu của  nhà sản xuất được  nhà sản xuất  sử dụng rộng rãi  cả dưới hình thức tên thương mại. Với tình huống đó hầu hết các nhà sản xuất sẽ đề nghị đại lý hủy bỏ hiệu lực đăng ký với lý do họ không có quyền nộp đơn  để trực tiếp đăng ký nhãn hiệu dưới tên mình. Tuy nhiên, trong trường hợp nhãn hiệu “KINGMAX” này nhà sản xuất [Công ty Kingmax Đài Loan] lại hỗ trợ và đồng ý với việc đăng ký nhãn hiệu  đó của đại lý (sau khi có đề nghị hủy bỏ hiệu lực của Công ty Chí Đức). Vụ việc kéo dài và chỉ rõ ràng khi có kết luận của Tòa phúc thẩm.

Điểm lại các văn bản của Công ty Kingmax nộp sau này  (trong quá trình xem xét đề nghị hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNHHH số 77256) để biện hộ cho việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “KINGMAX” của Công ty Viên Sơn, gồm có:

(i) Văn bản ngày 27/7/2007: ghi rằng Công ty Viễn Sơn là đại lý độc quyền của Công ty Kingmax và Công ty Viễn Sơn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu  “KINGMAX”  là để chống hàng giả mang nhãn hiệu “KINGMAX”. Và Công ty Viễn Sơn sẽ chuyển giao quyền sở hữu GCNĐKNH 77256 cho Công ty Kingmax. Văn bản này là cơ sở để Công ty Viễn Sơn đề nghị áp dụng Điều 6 septies của Công ước Parí;

(ii) Văn bản ngày 30/8/2007: cung cấp thông tin rằng Công ty Kingmax cho phép Công ty Công ty Viễn Sơn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu  “KINGMAX”  và không sử dụng nhãn hiệu  “KINGMAX”  tại Việt Nam năm 2005, khi Công ty Viễn Sơn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. Rõ ràng, mục đich của văn bản này là để bác bỏ cáo buộc rằng  Công ty Viễn Sơn không có quyền nộp đơn theo Điều 14.2.c Nghị định 63/CP.

Từ những điều nói trên có cơ sở để cho rằng Công ty Kingmax không nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “KINGMAX" mà để Công ty Viễn Sơn làm việc này nhằm độc quyền kinh doanh nhãn hiệu “KINGMAX” tại Việt Nam qua Công ty Viễn Sơn, chông lại việc nhập khẩu song song mà luật SHTT Việt Nam cho phép. Một khi nhãn hiệu KINGMAX được bảo hộ dưới tên Công ty Viễn Sơn, mọi hành vi nhập khẩu sản phẩm mang nhãn hiệu này từ Công ty Kingmax Đài Loan của các chủ thể khác sẽ bị Công ty Viễn Sơn coi là hành vi xâm phạm nhãn hiệu và bị đề nghị xử lý; chỉ có Công ty Viễn Sơn mới có thê nhập khẩu sản phẩm mang nhãn hiệu “KINGMAX” do Công ty Kingmax sản xuất.

4.2       Về mối liên hệ giữa việc bị đề nghị xử lý do bị cáo buộc xâm phạm quyền nhãn hiệu và đề nghị hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNHHH

Công ty Viễn Sơn, đại lý của Công ty Kingmax, đã dựa trên quyền nhãn hiệu của mình yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý Công ty Chí Đức nhập khẩu sản phẩm mang nhãn hiệu “KINGMAX”, cho dù sản phẩm đó do Công ty Kingmax sản xuất.  Công ty Chí Đức không thể vận dụng điều khoản cho phép nhập khẩu song song quy định tại Điều 125 Luật SHTT để bào chữa rằng họ không xâm phạm quyền. Công ty Viễn Sơn là chủ sở hữu nhãn hiệu “KINGMAX” và theo hồ sơ đơn thì nhãn hiệu này không liên quan tới Công ty Kingmax.
Do vậy, cách duy nhất để Công ty Chí Đức không bị buộc tội xâm phạm quyền nhãn hiệu là đề nghị hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNHHH số 77256 “KINGMAX”.

4.3       Áp dụng luật

-           Cục SHTT đã áp dụng Điều 14.2.c Nghị định 63/CP có hiệu lực trước ngày 01/7/2006  để đánh giá quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu của Công ty Viễn Sơn trong khi Tòa phúc thẩm lại áp dụng Điều 87.2 Luật SHTT có hiệu lực từ ngày 01/7/2006 để đánh giá hành vi này nhưng cũng chấp nhận quan điểm của Cục SHTT. Hai cơ quan  cùng vận dụng Khoản 3 Điều 220 - Điều khoản chuyển tiếp - của Luật SHTT trong các quyết định của mình, theo đó khi hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ thì cơ sở pháp luật được vận dụng để xem xét là văn bản pháp luật có hiệu lực tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, khi vận dụng, giữa Tòa và Cục SHTT có khác biệt về cách hiểu, cụ thể như sau:

-           Cục SHTT cho rằng văn bản pháp luật “có hiệu lực” nêu trên là văn bản đã dùng để cấp văn bằng bảo hộ nên  sử dụng Nghị định 63/CP là văn bản áp dụng để cấp GCNĐKNHHH số 77256;

-           Tòa lại cho rằng văn bản pháp luật “có hiệu lực” nêu trên còn có thể là văn bản có hiệu lực vào thời điểm cấp bằng (tuy không áp dụng để cấp bằng) và do Luật SHTT có hiệu lực từ ngày 01/7/2006 còn GCNĐKNHHH số 77256 được cấp vào ngày 24/11/2006 nên Tòa áp dụng Luật SHTT, nhưng vẫn không phủ nhận việc áp dụng Nghị định 63/CP trong quyết định của Cục SHTT. Cách hiểu của Cục SHTT phù hợp với quy định về xử lý đơn SHCN tại Khoản 2 Điều 220 Luật SHTT, theo đó các đơn đã nộp trước khi Luật SHTT có hiệu lực vẫn tiếp tục được xử lý theo văn bản pháp luật có hiệu lực vào thời điểm nộp đơn.

Tồn tại trên đã được giải quyết tại lần sửa đổi Luật SHTTvào năm 2009, có hiệu lực từ ngày 01/01/2010, theo đó cụm từ “văn bản pháp luật dùng để cấp văn bằng bảo hộ” trong Điều 220.3 được thay bằng cụm từ “văn bản pháp luật dùng để xét cấp văn bằng bảo hộ đó[7].

4.4.      Nội dung của Điều 87.2 Luật SHTT

Điều 14.2.c Nghị định 63/CP trùng với Điều 87.2 Luật SHTT. Nội dung này quy định rõ điều kiện để một doanh nghiệp thương mại được sử dụng nhãn hiệu (khi nhà sản xuất không sử dụng nhãn hiệu và không phản đối việc sử dụng nhãn hiệu), tuy nhiên vẫn còn những vấn đề chưa rõ làm nảy sinh tranh cãi:

-           Công ty thương mại được đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm hay cho dịch vụ phân phối sản phẩm đó?; Trong trường hợp dùng nhãn hiệu cho dịch vụ thì tại sao phải được sự đồng ý của nhà sản xuất (khi nhà sản xuất đã không sử dụng nhãn hiệu)?; còn trong sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm thì liệu có gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi mà chủ nhãn hiệu lại không sản xuất ra sản phẩm mang nhãn hiệu đó?.

-           Trong trường hợp nhà sản xuất không sử dụng nhãn hiệu thì phạm vi của việc không sử dụng cần được làm rõ:  hoàn toàn không sử dụng nhãn hiệu hoặc không sử dụng nhãn hiệu trong một phạm vi cụ thể nào đó (về  thời gian hoặc không gian), ngoài phạm vi đó nhà sản xuất  vẫn sử dụng nhãn hiệu. Ví dụ trong trường hợp nhãn hiệu “KINGMAX”, nhà sản xuất – Công ty King maxtuyên bố không sử dụng nhãn hiệu tại Việt Nam trong năm 2005 (tuy có thể vẫn sử dụng tại những nơi khác) nên việc Công ty Viễn Sơn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “KINGMAX” tại Việt Nam không vi phạm Điều 14.2.c Nghị định 63/CP, tuy nhiên Tòa phúc thẩm lại căn cứ vào chính tuyên bố đó để cho rằng Công ty Kingmax vẫn sử dụng nhãn hiệu này tại thời điểm đưa ra tuyên bố vào năm 2007 (không quan trọng là đã sử dụng tại Việt Nam), nên đã bác ý kiến này, chấp nhận quan điểm của Cục SHTT.

4.5       Về tính chất không trung thực trong vụ việc và Điều 87.2 Luật SHTT

Việc đăng ký nhãn hiệu “KINGMAX” của Công ty Viễn Sơn có dấu hiệu không trung thực vì khi nộp đơn đã không cung cấp các thông tin liên quanvề mối quan hệ với nhà sản xuất là Công ty Kingmax, cụ thể là Công ty Viến Sơn là đại lý độc quyền của Công ty Kingmax; sản phẩm mang nhãn hiệu “KINGMAX” mà Công ty này đưa ra thị trường do Công ty Kingmax sản xuất.

Nhờ che dấu những thông tin đó nên Công ty Viễn Sơn đã được cấp GCNĐKNHHH số 77256 [như là nhà sản xuất], từ đó dẫn đến việc các doanh nghiệp khác không thể vận dụng quy định về nhập khẩu song song trong Luật SHTT để nhập khẩu sản phẩm mang nhãn hiệu “KINGMAX” từ nhà sản xuất đích thực mà không bị buộc tội xâm phạm quyền của Công ty Viễn Sơn hoặc kinh doanh hàng giả. Đây là dấu hiệu rõ ràng của việc lạm quyền nhãn hiệu gây thiệt hại cho hoạt động thương mại chính đáng.

Điều này cũng cho thấy sự liên quan chặt chẽ giữa hành vi không trung thực và việc vi phạm các quy định liên quan đến nhà sản xuất và nhà phân phối tại Điều 14.2.c Nghị định 63/CP hoặc điều 87.2 Luật SHTT. Nếu không làm rõ mối liên quan đó thì quy định tại Điều 87.2 Luật SHTT chỉ có thể áp dụng để giải quyết đề nghị hủy bỏ hiệu lực trong một thời hạn rất ngắn (5 năm kể từ ngày cấp), theo quy định tại Điều 96.3 Luật SHTT[8].

(NTH)

 

 

[1]Điều 14.2.a)Quyền nộp đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá: “Cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác tiến hành hoạt động sản xuất hợp pháp có quyền nộp đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá dùng cho sản phẩm do mình sản xuất hoặc sẽ sản xuất”;

[2]Điều 14.2.c) Cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền nộp đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá cho sản phẩm do mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu hàng hoá đó cho sản phẩm tương ứng và không phản đối việc nộp đơn nói trên;

[3]Điều 6septies. Nhãn hiệu: Đăng ký nhãn hiệu dưới tên của người đại diện hoặc đại lý  mà không được chủ nhãn hiệu cho phép

(1) Nếu đại lý hoặc người đại diện của người là chủ nhãn hiệu tại một trong số các nước thành viên của Liên minh vẫn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho chính mình tại một hoặc nhiều nước thành viên của Liên minh, mà không được sự cho phép của người chủ đó thì chủ nhãn hiệu có quyền phản đối việc đăng ký hoặc đề nghị huỷ bỏ việc đăng ký đó, hoặc, nếu luật quốc gia cho phép, chuyển việc đăng ký đó cho mình, trừ trường hợp đại lý hoặc người đại diện biện hộ được cho hành động của mình.

(2) Người chủ nhãn hiệu, theo các quy định tại khoản (1) nêu trên, có quyền phản đối việc đại lý hoặc người đại diện sử dụng nhãn hiệu của mình nếu không cho phép việc sử dụng đó.

(3) Luật quốc gia có thể quy định một thời hạn hợp lý mà theo đó chủ nhãn hiệu có thể thực hiện quyền đã được quy định tại Điều này.

[4]Việt Nam là thành viên chính thức của WTO từ ngày 11/01/2007.

[5]Khoản 2, Điều 87 “Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó”.

[6]Khoản 3, Điều 220. Điều khoản chuyển tiếp “Mọi quyền và nghĩa vụ theo văn bằng bảo hộ được cấp theo quy định của pháp luật có hiệu lực trước ngày Luật này có hiệu lực và các thủ tục duy trì, gia hạn, sửa đổi, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng quyền sở hữu, giải quyết tranh chấp liên quan đến văn bằng bảo hộ đó được áp dụng theo quy định của Luật này, trừ quy định về căn cứ huỷ bỏ hiệu lực các văn bằng bảo hộ thì chỉ áp dụng quy định của các văn bản pháp luật có hiệu lực tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ...”.

[7]Mọi quyền và nghĩa vụ theo văn bằng bảo hộ được cấp theo quy định của pháp luật có hiệu lực trước ngày Luật này có hiệu lực và các thủ tục duy trì, gia hạn, sửa đổi, chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng quyền sở hữu, giải quyết tranh chấp liên quan đến văn bằng bảo hộ đó được áp dụng theo quy định của Luật này, trừ căn cứ huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ thì áp dụng quy định pháp luật có hiệu lực đối với việc xét cấp văn bằng bảo hộ đó...” (Điều 220.3 sửa đổi)

[8]“...Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ là suốt thời hạn bảo hộ; đối với nhãn hiệu thì thời hiệu này là năm năm kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ, trừ trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp do sự không trung thực của người nộp đơn.

 

 

Các bài viết khác