Logo

Một số điểm nổi bật của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 về thi hành Luật Sở hữu trí tuệ... (Còn tiếp)

13/09/2023
Nghị định có hiệu lực thi hành cùng ngày ban hành.

Sau gần 9 tháng chờ đợi kể từ ngày Luật số 07/2022/QH15 – Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (gọi tắt là Luật SHTT sửa đổi 2022) có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 (sau đây gọi tắt là Nghị định 65/2023) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Nghị định 65/2023 có hiệu lực thi hành cùng ngày ban hành.

Nghị định 65/2023 thay thế các Nghị định: 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006; 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/200;  119/2010/NĐ-CP ngày 30/10/2010; 122/2010/NĐ-CP ngày 31/10/2010 và 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018.

Trong khi chờ đợi Bộ Khoa học và Công nghệ - cơ quan chủ quản Cục Sở hữu trí tuệ -  ban hành một Thông tư  sửa đổi, bổ sung Thông tư  số 01/2007/TT-BKHCN (cũng đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị định nói trên Phạm và Liên danh xin điểm qua một số điểm mới nổi bật  liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN)  của Nghi định này để bạn đọc quan tâm tham khảo.

1. Về các Tờ khai và Đơn đăng ký xác lập quyền

Đơn đăng ký nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí đã được thay đổi theo MẪU MỚI, nêu tại Phụ lục I, II, IV của Nghị định. Không có nhiều khác biệt so với trước. Điểm mới đáng chú ý nhất là;

- Về Nhãn hiệu (Mẫu 08) - Luật SHTT sửa đổi 2022 bổ sung đối tượng bảo hộ mới là “Nhãn hiệu âm thanh”. Bởi vậy, Đơn đăng ký nhãn hiệu đã bổ sung thêm mục này. Theo đó, Đơn yêu cầu người nộp đơn phải mô tả đầy đủ, chi tiết về dấu hiệu âm thanh yêu cầu đăng ký làm nhãn hiệu (âm thanh của nhạc cụ gì, có kèm lời hay không v.v…) và mẫu nhãn hiệu âm thanh đính kèm theo Đơn phải là tệp âm thanh định dạng kỹ thuật số MP3 với dung lượng không quá 3 MB và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh bằng khuông nhạc 5 dòng kẻ.

- Về Sáng chế: Luật SHTT sửa đổi 2022 bổ sung Điều 131a. Đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm. Bởi vậy, 02 mẫu đơn mới được bổ sung, đó là Mẫu số 02 - Đơn đề nghị xác nhận thủ tục đăng ký lưu hành dược phẩm lần đầu bị chậm và Mẫu số 03 - Tờ khai yêu cầu đền bù do chậm cấp phép lưu hành lần đầu đối với dược phẩm sản xuất theo bằng độc quyền sáng chế. Bằng việc sử dụng đơn và tờ khai này, chủ sở hữu bằng sáng chế có quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam bồi thường liên quan đến việc chậm cấp giấy phép lưu hành cho dược phẩm Thủ tục đăng ký lưu hành dược phẩm bị xem là chậm nếu kết thúc thời hạn 02 năm, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký lưu hành mà cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành dược phẩm không có văn bản phản hồi lần đầu đối với hồ sơ. Khoảng thời gian bị chậm tính từ ngày đầu tiên kết thúc hai năm đó đến khi có văn bản phản hồi lần đầu.

2. Sửa đổi, tách đơn, rút đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

Điều 17 Nghị định 65/2023 làm rõ thủ tục và trình tự tách, rút đơn đăng ký SHCN quy định tại Điều 115 và Điều 116 Luật SHTT như sau.

(i) Tách đơn:

- Đơn tách mang số đơn mới và được lấy ngày nộp đơn của đơn ban đầu hoặc (các) ngày ưu tiên của đơn ban đầu (nếu có). Đối với mỗi đơn tách, người nộp đơn phải nộp lệ phí nộp đơn và mọi khoản phí, lệ phí cho các thủ tục được thực hiện độc lập với đơn ban đầu (ngoài các thủ tục đã được thực hiện ở đơn ban đầu mà không cần phải thực hiện lại ở đơn tách), nhưng không phải nộp phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (trừ trường hợp tách đơn kiểu dáng công nghiệp do không bảo đảm tính thống nhất). Đơn tách được thẩm định về hình thức và tiếp tục được xử lý theo các thủ tục chưa được hoàn tất đối với đơn ban đầu. Đơn tách phải được công bố theo quy định;

- Đơn ban đầu (sau khi bị tách) tiếp tục được xử lý theo thủ tục xử lý đơn hoặc theo thủ tục sửa đổi đơn.

(ii) Rút đơn:

Việc rút đơn phải do chính người nộp đơn hoặc do người đại diện được người nộp đơn ủy quyền thực hiện thông qua tuyên bố bằng văn bản. Đối với đơn nộp qua đại diện, trong văn bản ủy quyền phải nêu rõ việc ủy quyền rút đơn hoặc phải kèm theo thư lệnh chỉ rõ số đơn cần rút;

Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp:

a) Ra thông báo chấp nhận rút đơn trong trường hợp yêu cầu rút đơn đáp ứng quy định và chấm dứt việc xử lý đơn, ghi nhận việc rút đơn trong hồ sơ đơn. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đã rút không thể được khôi phục mà chỉ có thể dùng làm căn cứ để yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo quy định tại khoản 3 Điều 116 của Luật Sở hữu trí tuệ;

b) Ra thông báo dự định từ chối chấp nhận rút đơn trong trường hợp yêu cầu rút đơn không đáp ứng quy định và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn khắc phục thiếu sót;

c) Ra thông báo từ chối chấp nhận rút đơn nếu người nộp đơn không khắc phục thiếu sót trong thời hạn quy định hoặc khắc phục thiếu sót nhưng không đạt yêu cầu.

Điều đó cho phép người nộp đơn nhanh chóng ngừng theo đuổi các đơn đăng ký SHTT không còn có ý nghĩa, đồng thời đảm bảo rằng các yêu cầu của họ được xử lý minh bạch, phù hợp với quy định của pháp luật.

(Còn tiếp)

Các bài viết khác