Logo

Tòa án nhân dân TP Hà Nội bác bỏ đơn khởi kiện liên quan đến 04 nhãn hiệu rượu Nga.

19/02/2024

Vụ kiện được xét xử ngày 27/9/2023 là một phần của quá trình tranh chấp các nhãn hiệu rượu có nguồn gốc từ thời Liên Xô,  khởi  đầu từ LB Nga và tiếp diễn tại nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam .

Năm 2017 Công ty Spirits International B.I (“Công ty SPI) đã nộp  04 Đơn khởi kiện tới  Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị hủy các Quyết định của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (“Cục SHTT”) về việc giải quyết đề nghị ghi nhận chủ sở hữu và giải quyết khiếu nại Quyết định hủy bỏ ghi nhận chuyển nhượng đối với 04 Đăng ký quốc tế nhãn hiệu (ĐKQT”) tại Việt Nam[1].  Công ty SPI cho rằng họ đã được chuyển nhượng một cách trung thực, ngay tình và phù hợp quy định pháp luật  các nhãn hiệu được bảo hộ theo các ĐKQT số No.633001; No.571311; No.574229 và No.711772, có hiệu lực tại thời chuyến nhượng là năm 1999.

Trong tiến trình giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã dựa trên Luật Tố tụng hành chính để nhập 3 vụ án đã thụ lý trước đó vào vụ án hành chính sơ thẩm thụ lý số 248/2017/TLST-HC ngày 02/10/2017 để giải quyết và đưa ra xét xử vào các ngày 27/9/2023 và 30/9/2023.

Dưới đây là một số lập luận chính của Tòa án nhân dân TP Hà Nội khi bác bỏ đơn khởi kiện của Công ty SPI tại bản án số 363/2023/HC-ST ngày 30/9/2023:

(i) Về việc chuyển giao các ĐKQT tại CHLB Nga:

Các nhãn hiệu đã được bảo hộ theo các ĐKQT nói trên“MOSKOVSKAYA RUSSIAN VODKA”, “STOLICHNAYA RUSSIAN VODKA”, “SOVIET WINE PARKLING”, “RUSSKAYA RUSSIAN VODKA”  được đăng ký từ năm 1969 dưới tên doanh nghiệp nhà nước Liên bang Xô Viết khi đó là –WO Sojuzplodoimport .

Phán quyết của Tòa án trọng tài tối cao Liên bang Nga tại Bản án số 5530/01 ngày 16/10/2001 và Bản án số KG-A40/3033-02 ngày 25/11/2002 đã xác định rằng việc Công ty cổ phần “VAO Sojuzplodoimport” được thành lập và tự tuyên bố trong điều lệ của mình là người kế thừa của doanh nghiệp nhà nước “WO Sojuzplodoimport”, rồi sau đó đổi tên thành VZAO, đổi tiếp thành “ZAO Sojuzplodoimport”, để sau đó “ZAO Sojuzplodoimport” đã chuyển nhượng quyền sở hữu các nhãn hiệu theo các ĐKQT số No.633001; No. 571311;  No.574229 và No.711772 cho Công ty SPI là bất hợp pháp - thực chất là chiếm đoạt quyền sở hữu các nhãn hiệu nêu trên của doanh nghiệp nhà nước Liên bang Nga Wo Sojuzplodoimport. Năm 2010 Thủ tướng Liên bang Nga V. Putin ký quyết định ủy quyền cho FKP Sojuzplodoimport (FPK) đại diện cho các lợi ích của Liên bang Nga trong các vụ kiện tại các tòa án về việc khôi phục và bảo vệ các quyền của Liên bang Nga đối với các nhãn hiệu đồ uống có cồn ở nước ngoài.

Tại phiên xét xử của Tòa án nhân dân TP Hà Nội ngày 29 và 30/9/2023 Công ty SPI cũng không đưa ra được những căn cứtài liệu xác đáng về việc kế thừa các ĐKQT của VAO Sojuzplodoimport là có căn cứ pháp luật và hợp pháp, cũng như phù hợp với thực tiễn, để từ đó có thể phản biện rằng việc VAO được đổi tên thành VZAO, sau đó “ZAO Sojuzplodoimport”  nhằm  chuyển nhượng các ĐKQTNH  nêu trên cho Công ty SPI là hợp pháp.

Cục SHTT đã xem xét tính pháp lý của các pháp nhân đã xác định Công ty SPI nhận chuyển nhượng nhãn hiệu năm 1999 là có sự gian dối (căn cứ vào Bản án số 5530/01 ngày 16/10/2001 và Bản án số KG- A40/3033-02 ngày 25/11/2002 của Tòa án trọng tài tối cao Liên bang Nga). Quyết định của Cục trưởng Cục SHTT về giải quyết tranh chấp về quyền  sở hũu đối với các nhãn hiệu nói trên giữa Công ty SPI và FKP Sojuzplodoimport của LB Nga được  dựa trên các quy định tại khoản 3 Điều 96,  Điều 138, khoản 3 Điều 220 Luật Sở hữu trí tuệ, được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

(ii) Về xem xét các bản án của Tòa án Hà Lan

Việc Cục Sở hữu Trí tuệ xem xét các quyết định sơ thẩm và phúc thẩm của tòa án tại Hà Lan không phải là áp dụng quyết định của tòa án nước ngoài. Đây chỉ là sự tham khảo và nó cho thấy các tòa án của các quốc gia thành viên của Hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu (Việt Nam cũng là thành viên của Hệ thống này)  cũng đã xem xét các quyết định liên quan của tòa án và các cơ quan có thẩm quyền tại Liên bang Nga về việc kế thừa và chuyển nhượng thụ lý vụ việc. Cụ thể, tòa án tại Hà Lan đã không  công nhận việc kế thừa của VAO là hợp pháp, từ đó kết luận Công ty SPI đã không trung thực trong việc chuyển nhượng đăng ký quốc tế nhãn hiệu  và tuyên bố vô hiệu các chuyển nhượng này.

(iii) Về chủ đề của tranh chấp:

Hội đồng xét xử không chấp nhận lập luận của Công ty SPI cho rằng “Cục Sở hữu trí tuệ đã sai phạm khi không thông báo cho SPI về yêu cầu hủy bỏ hiệu lực của FKP thông qua Văn Phòng Quốc Tế của WIPO theo luật định”[2]. Lập luận này bị bác bỏ vì chủ đề của giải quyết tranh chấp giữa SPI và FKP không phải là hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu.  Trong thực tế, trước khi FKP có đơn yêu cầu, 04 ĐKQT nhãn hiệu này đang có hiệu lực ở Việt Nam và được ghi nhận dưới tên SPI dựa trên việc chuyển nhượng cho SPI.

Vấn đề mấu chốt của vụ việc này là ai/chủ thể nào được công nhận là chủ sở hữu hợp pháp của 04 nhãn hiệu nói trên, mà việc này phụ thuộc vào luật pháp và quyết định của các cơ quan thẩm quyền của nước xuất xứ nhãn hiệu, cụ thể trong vụ việc này là CHLB Nga - chủ thể kế thừaLiên bang Xô Viết trước đây - được các quốc gia trong đó có Việt Nam thừa nhận.  Quyết định về chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ được LB Nga thông báo tới Văn phòng Quốc tế WIPO để ghi nhận. Trên cơ sở ghi nhận của Văn phòng Quốc tế WIPO, các quốc gia thành viên khác có thể hành động tương ứng, hoặc tuyên bố không công nhận khi có căn cứ để quyết định như vậy và ghi nhận khác đi.

Năm 1999 Cục SHTT Việt Nam đã ghi nhận SPI  là chủ sở hữu 04 ĐKQT nói trên dựa trên thông báo về thay đổi chủ sở hữu từ Văn phòng Quốc tế WIPO. Tới khi FKP có đơn đề nghị, Cục SHTT đã xem xét ghi nhận lại chủ sở hữu cho FKP. Thủ tục này  không liên quan gì đến quy định tại Điều 21.4(a) Thông tư số 01/2017/TT-BKHCN ngày 14/02/2017 mà SPI đã viện dẫn./.

 

[1]  https://pham.com.vn/tin-tuc-su-kien/toa-an-ha-noi-bac-don-kien-cuc-shtt-lien-quan-den-cac-nhan-hieu-ruou.html
[2] Thông tư 01, điểm 21.4 Chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế nhãn hiệu
a) Đối với đơn yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực của người thứ ba đối với đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Thoả ước Madrid hoặc Nghị định thư Madrid, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo nội dung yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế nhãn hiệu cho chủ nhãn hiệu thông qua Văn phòng quốc tế, trong đó ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để chủ nhãn hiệu có ý kiến.

 

Các bài viết khác