Logo

THỤY SĨ: Tòa tuyên Đầu dã thú ăn thịt và Đầu hổ tương tự gây nhầm lẫn

04/05/2024
Vụ Jaguar Land Rover Limited kiện Philipp Plein

Tòa án Hành chính Liên bang Thụy Sĩ (The Swiss Federal Administrative Court-SFAC) đã đưa ra quyết định trong vụ kiện phản đối cấp sơ thẩm cuối cùng giữa Jaguar Land Rover Limited (Jaguar) và một doanh nhân nhỏ, phán xét rằng hình vẽ đầu của dã thú ăn thịt (trong quyết định không được xác định là báo đốm) đã được đăng ký bởi Jaguar là nhãn hiệu tượng hình có trước (Đăng ký quốc tế số 1231192) và hình vẽ đầu hổ được bên tranh chấp đăng ký là nhãn hiệu tượng hình có sau (đăng ký nhãn hiệu Thụy Sĩ số 707655) tương tự đến mức gây nhầm lẫn. Vụ Jaguar Land Rover Limited kiện Philipp Plein [bằng tiếng Đức], Vụ việc B-2387/2023.

Trong phán quyết ngày 4/1/2024, tòa án lý luận rằng, về ấn tượng chung, nhãn hiệu tranh chấp có tính cách điệu hơn, ngôn ngữ đồ họa có phần khác biệt nhưng sự giống nhau về hình thức thể hiện qua hàm răng nhe ra chiếm ưu thế. Hơn nữa, cả hai nhãn hiệu đều được thiết kế theo phong cách liên quan, tòa án nói thêm, đồng thời lập luận rằng, xét về mặt ý nghĩa, việc người tiêu dùng có thể liên tưởng chính xác với con hổ trong nhãn hiệu đang tranh chấp hay không không quan trọng, bởi vì cuối cùng, không gì khác hơn là cái đầu của một con thú săn mồi (sư tử, hổ, báo...)  đang gầm gừ sẽ đọng lại trong trí nhớ của họ.

Các yêu cầu về nội dung ngữ nghĩa để bù đắp cho sự tương đồng trong cách thể hiện và ngăn chặn khả năng gây nhầm lẫn đã không được đáp ứng, Tòa án nói, tóm tắt lại rằng nhãn hiệu tranh chấp chỉ đơn thuần thể hiện một biến thể hoặc điều chỉnh của nhãn hiệu đối lập và không phải là một kiểu dáng sáng tạo độc lập.

Do đó, tòa khẳng định có khả năng xảy ra nhầm lẫn dù có sự khác biệt đáng kể giữa các dấu hiệu nói trên. Quyết định của Tòa có khả năng thu hút sự chỉ trích liên quan tới học thuyết pháp lý về việc thúc đẩy “mô típ bảo vệ” (“motif protection”) vốn bị phản đối trong luật nhãn hiệu, vì mô típ đầu dã thú săn mồi hoặc đầu hổ không thể bị độc quyền.

Vụ kiện có thể còn tiếp tục vì phản đối liên quan tới các hàng hóa thuộc các Nhóm 9, 14, 18, 25 và 28, chứ không phải hàng hóa thuộc Nhóm 12, mà Jaguar có thể đã yêu cầu phạm vi bảo vệ rộng hơn cho nhãn hiệu có đầu dã thú (là báo đốm), được coi là nổi tiếng liên quan đến xe cộ./.

Nguồn: Christoph Gasser, INTA Bulletins, March 6, 2024
https://www.inta.org/perspectives/law-practice/switzerland-court-finds-predator-head-and-tiger-head-confusingly-similar/

Các bài viết khác