Logo

Vụ từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu 'TRUMP TOO SMALL” đang chờ Tòa án tối cao Hoa Kỳ ra phán quyết 

11/11/2023
Vào ngày 01/11/2023 Tòa Tối cao đã nghe các tranh luận trực tiếp trong vụ nhãn hiệu nói trên do USPTO kháng cáo.

Vào ngày 01/11/2023 Tòa Tối cao đã nghe các tranh luận trực tiếp trong vụ nhãn hiệu nói trên do USPTO kháng cáo. Các thẩm phán sẽ xem xét liệu nhãn hiệu chế nhạo cựu Tổng thống Donald Trump  “TRUMP TOO SMALL” (Trump quá nhỏ bé) có thể được đăng ký hay không?.

Bức ảnh này được lấy từ trang web trumptoosmall.com cho thấy cụm từ “TRUMP TOO SMALL” được dùng làm slogal cho áo phông và mũ

1.  Thẩm định bởi USPTO

1.1   Đơn đăng ký nhãn hiệu

Đơn đăng ký nhãn hiệu số 87749230 - “TRUMP TOO SMALL” cho các sản phẩm “Áo sơ mi ngắn tay; Áo phông có họa tiết; áo sơ mi dài tay; áo thun ngắn tay hoặc dài tay; Áo sơ mi thấm mồ hôi; Áo phông...”  thuộc Nhóm 25 được một cá nhân nộp tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) vào ngày 10/01/2018.  

Trong đơn đăng ký người nộp đơn nêu rằng mục đích đăng ký nhãn hiệu là để truyền tải thông điệp rằng “một số đặc trưng của Tổng thống Trump và các chính sách của ông ấy rất nhỏ bé”.

1.2   Quyết định từ chối của thẩm định viên

- Trao đổi với người nộp đơn, thẩm định viên cho rằng:

Donald Trump là một doanh nhân, nhân vật truyền hình, chính trị gia và là Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Trump đã chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 8/11/ 2016 và nhậm chức vào ngày 20/1/2017. Theo đó, với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump được công chúng biết đến nhiều tới mức sẽ có lý khi cho rằng có mối liên hệ giữa con người và hàng hóa có liên quan.

- Người nộp đơn phản hồi như sau:

Dấu hiệu nói trên có quyền đăng ký làm nhãn hiệu vì nó là một bình luận chính trị về Donald Trump “mà người tiêu dùng có liên quan ở Hoa Kỳ sẽ không cho là được tài trợ hoặc liên kết với Donald Trump.”

Lập luận chống lại việc từ chối của người nộp đơn đã được thẩm định viên xem xét và cho là không thuyết phục vì lý do dưới đây:

- Người nộp đơn thừa nhận rằng nhãn hiệu được đề xuất có liên quan trực tiếp đến Donald Trump. Sự thừa nhận này cho thấy rõ rằng nhãn hiệu xin đăng ký đã được người nộp đơn lựa chọn nhằm cố gắng liên kết nhãn hiệu và hàng hóa của người nộp đơn với Tổng thống Trump, qua đó thu lợi từ danh tiếng của Tổng thống;

- Việc nhãn hiệu có thể nhằm mục đích bình luận chính trị không mang tính quyết định. Hơn nữa, cả luật pháp lẫn án lệ đều không đưa ra ngoại lệ về  “bình luận chính trị” đối với quyền riêng tư và công cộng. Việc sử dụng tên “TRUMP” trong nhãn hiệu xin đăng ký sẽ được công chúng hiểu là ám chỉ đến Donald Trump. Theo đó, vì không có văn bản cho phép của Tổng thống Trump nên việc đăng ký phải bị từ chối.

Với các lý do nêu trên, dấu hiệu theo đơn đăng ký nhãn hiệu số 87749230 bị từ chối vì vi phạm các quy định sau đây của Luật Nhãn hiệu:

Điều 2.a,  với lý do là nó bao gồm vấn đề có thể gợi ý sai về mối liên hệ với Tổng thống Donald J. Trump,

Điều 2(c) với lý do là nó bao gồm tên của Tổng thống mà không có sự đồng ý bằng văn bản của đương sự.

1.3   Quyết định giải quyết của Hội đồng xét xử và giải quyết khiếu nại - TTAB

Người nộp đơn đã khiếu nại nhưng TTAB vào ngày 20/7/2020 đã ra quyết định từ chối với nội dung: Không cần phải đạt được sự từ chối theo Điều 2(a) và khẳng định từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu “TRUMP TOO SMALL” theo Điều 2(c) với lý do nhãn hiệu đó mang tên Tổng thống Donald Trump mà không có sự cho phép  bằng văn bản của đương sự.

2.  Khởi kiện

2.1  Tòa phúc thẩm

Xét đơn khởi kiện của người nộp đơn lập luận rằng việc USPTO từ chối đăng ký cụm từ “Trump too small”, cụm từ mà ông dùng để bán áo phông chế nhạo cựu tổng thống, đã vi phạm Tu chính án thứ nhất, tại phán quyết vào tháng 2 năm 2022, Tòa phúc thẩm Liên bang Hoa Kỳ đã ra phán quyết chống lại USPTO, cho rằng việc từ chối đã vi phạm quyền tự do ngôn luận của người nộp đơn theo Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp (có nội dung bảo vệ quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp và quyền kiến ​​nghị Chính phủ giải quyết những bất bình).



Ảnh: Donald Trump, bên phải, và Thượng nghị sĩ Marco Rubio trong một cuộc tranh luận về bầu cử tổng thống năm 2016  

2.2  USPTO kháng cáo

USPTO, do Bộ Tư pháp làm đại diện, đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao, và bây giờ các thẩm phán sẽ quyết định liệu việc từ chối như vậy có vi phạm Hiến pháp hay không “khi nhãn hiệu chứa đựng những lời chỉ trích quan chức chính phủ hoặc nhân vật của công chúng” .Cụm từ " TRUMP TOO SMALL " bắt nguồn từ cuộc trao đổi chế nhạo giữa Trump và Thượng nghị sĩ Marco Rubio  - là đối thủ trong cuộc tranh cử tổng thống của Đảng Cộng hòa năm 2016. (hình trên)

Bộ Tư pháp cho biết việc từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu không hạn chế quyền phát ngôn của người nộp đơn  mà thay vào đó đưa ra những  điều kiện cho những lợi ích đi kèm với việc đăng ký thành công nhãn hiệu theo các quy định của Đạo luật Nhãn hiệu. Văn bản của Bộ này đề cập đến “Các tác nhân thương mại sử dụng nhãn hiệu có tên của một cá nhân khác mà không có sự đồng ý của cá nhân đó,” và  “do đó khai thác thứ gì đó không phải của họ, vì lợi ích thương mại của riêng họ.”

Tuy nhiên, các luật sư của người nộp đơn lập luận rằng điều khoản này (Điều 2.c Luật Nhãn hiệu ) đã hạn chế lời nói dựa trên nội hàm của nó và do đó phải tuân theo tiêu chuẩn đánh giá cao nhất mà các thẩm phán sử dụng khi họ xem xét các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

Các chuyên gia pháp luật cho biết các thẩm phán có thể sử dụng tranh chấp để đưa ra phán quyết sâu rộng hơn về vai trò của Tu chính án thứ nhất trong Luật nhãn hiệu, họ nhấn mạnh tác dụng hạn chế của Luật nhãn hiệu đối với quyền tự do ngôn luận, vấn đề duy nhất ở đây là liệu người nộp đơn có thể đăng ký nhãn hiệu hay không?. Mặc dù USPTO từ chối  đơn đăng ký nhãn hiệu nhưng người nộp đơn vẫn có thể sử dụng nhãn hiệu đó: “Anh ấy có thể bán bao nhiêu áo sơ mi với cụm từ này “TRUMP TOO SMALL” cũng được, và chính phủ sẽ không nói với anh ấy rằng không thể sử dụng cụm từ đó”.Họ cũng nhấn mạnh rằng phán quyết có lợi cho người nộp đơn  có thể có tác động ngoài ý muốn trong lĩnh vực pháp luật nhãn hiệu . Chánh án John Roberts thừa nhận những gì có thể xảy ra nếu người nộp đơn nhãn hiệu  “TRUMP TOO SMALL” giành chiến thắng,  đó là  mọi người khi đó sẽ chạy đua để đăng ký nhãn hiệu kiểu “Trump thế này, Trump thế kia”.

Phán quyết vụ kiện  dự kiến ​​sẽ được đưa ra vào đầu mùa hè.

3. Nhận xét

Việc Tòa án Tối cao Hoa Kỳ diễn giải trường hợp  áp dụng Tu chính án thứ nhất về quyền ngôn luận trong phạm vi pháp luật về nhãn hiệu đã từng xảy ra, tại phán quyết ngày 08/6/2023  xét xử vụ tranh chấp Jack Daniel’s Properties, Inc. kiện VIP Products liên quan đến hiện tượng nhại nhãn hiệu. Tòa án Tối cao đã kết luận  “không có sự bảo vệ đặc biệt nào của Tu chính án thứ nhất đối với việc nhại nhãn hiệu  của người khác rồi sử dụng làm nhãn hiệu của riêng mình; việc sử dụng một nhãn hiệu nhại  không được coi là phi thương mại...”[1](1).

Nguồn : (i)https://edition.cnn.com/2023/11/01/politics/trump-too-small-supreme-court/index.html
(ii)https://tmsearch.uspto.gov/bin/showfield?f=doc&state=4809:2rvp2p.3.1
(++)

 

Các bài viết khác